Nở rộ phong trào chụp ảnh kỷ yếu
Những năm gần đây, phong trào chụp ảnh làm kỷ yếu trước khi tốt nghiệp đang nở rộ trong giới học sinh, sinh viên (HSSV) và ngày càng được các bạn trẻ đầu tư công phu, bài bản hơn.
Thời gian chụp ảnh kỷ yếu nhộn nhịp nhất thường bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6. Đây là thời điểm hầu hết các lớp đã hoàn thành xong chương trình học và chuẩn bị tốt nghiệp ra trường.
Để đáp ứng nhu cầu của HSSV, có rất nhiều gói chụp ảnh, tùy thuộc vào số lượng người, địa điểm, thời gian chụp mà giá sẽ khác nhau. Ngoài lớp học, sân trường là nơi không thể thiếu khi chụp ảnh kỷ yếu thì Bảo tàng, hồ Ea Kao, các sân bóng… cũng là địa điểm lý tưởng được nhiều người lựa chọn với giá giao động khoảng 2-5 triệu/mỗi bộ ảnh. Nếu sử dụng flycam hay chụp hình ban đêm giá sẽ tăng thêm từ 1-2 triệu đồng.
Bộ ảnh kỷ yếu của lớp Văn học K12, Trường Đại học Tây Nguyên |
Trước đây thường chỉ có sinh viên năm cuối mới chụp ảnh kỷ yếu. Tuy nhiên, hiện nay học sinh cuối cấp ở các trường THPT, THCS cũng đua theo chụp bộ ảnh này. Mặc dù ở Đắk Lắk chưa có bộ ảnh nào khiến dư luận quan tâm như ở Hà Nội và một số tỉnh, tuy nhiên, việc đầu tư quá nhiều tiền bạc và thời gian để đi chụp ảnh kỷ yếu cũng là vấn đề cần quan tâm. Em Nguyễn Thị Phượng, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn tâm sự: “Hầu hết các lớp trước khi tốt nghiệp đều chụp ảnh kỷ yếu. Để đầu tư cho một bộ ảnh độc đáo, bọn em không chỉ tốn thời gian lên ý tưởng, lựa chọn địa điểm mà còn phải tham khảo giá, thống nhất trang phục. Nếu tính cả chi phí thuê đồ, trang điểm, đi lại, ăn uống, trung bình mỗi bạn phải đóng từ 150.000 – 300.000 đồng”.
Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Thơ, Giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên, trước đây sinh viên năm cuối thường cùng thầy, cô giáo chụp những bức ảnh tự nhiên trong lớp học, sân trường rồi tổ chức tiệc ngọt chia tay rất vui vẻ. Gần đây các em đua nhau đầu tư vào chụp ảnh kỷ yếu, thậm chí có những lớp còn tổ chức thuê xe đi Nha Trang, Đà Lạt ở lại qua đêm để chụp ảnh. Chi phí cho một bộ ảnh kỷ yếu lên đến vài chục triệu, vừa tốn thời gian, tiền bạc lại tiềm ẩn những vấn đề phức tạp mà ý nghĩa cũng giảm đi.
Hiện nay, chụp ảnh kỷ yếu giống như một “cuộc đua” trong giới HSSV. Tuy nhiên, không phải trong một lớp ai cũng có điều kiện kinh tế như nhau. Việc bỏ ra mấy trăm ngàn với người này là “chuyện nhỏ” nhưng với người khác có khi lại không đơn giản. Hơn nữa, thời gian di chuyển đến các địa điểm để chụp ảnh dưới thời tiết nắng nóng cũng khiến không ít em cảm thấy mệt mỏi, trong khi đây là lúc cao điểm ôn thi của HSSV cuối cấp.
Thiết nghĩ, điều quan trọng nhất của bộ ảnh kỷ yếu là lưu giữ lại những kỷ niệm cùng thầy cô và bạn bè. Chính vì vậy, để tránh lãng phí, bảo đảm an toàn cho các em cũng như giữ được ý nghĩa trong sáng của bộ ảnh, giáo viên và phụ huynh nên định hướng, góp ý các em đến với những giá trị thực chứ không nên chạy theo hình thức, phô trương.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc