Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột siết chặt dạy thêm trái quy định

08:45, 23/05/2017

Từ đầu tháng 3-2017, UBND TP. Buôn Ma Thuột chỉ đạo các xã, phường phải quyết liệt vào cuộc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT).

Sau 2 tháng triển khai, đến nay 21 xã, phường ở TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức kiểm tra hầu hết các cơ sở dạy thêm thuộc địa bàn quản lý. Qua kiểm tra phát hiện có 20 giáo viên dạy thêm trái quy định, trong đó có 10 giáo viên tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS); 10 giáo viên trung học phổ thông (THPT), cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH).

Bên cạnh những giáo viên dạy thêm chấp hành nghiêm Kế hoạch số 45, ngày 6-3-2017 của UBND TP. Buôn Ma Thuột về việc kiểm tra công tác quản lý và tổ chức DTHT, thì vẫn có một số ít giáo viên tỏ thái độ không hợp tác như: đóng cửa không cho đoàn kiểm tra vào nhà, cho học sinh đi cửa sau khi có đoàn kiểm tra đến, dùng áp lực của nhân dân để gây sức ép với đoàn. Đặc biệt là “bệnh” nhờ vả, gây áp lực với UBND các xã, phường và kể cả chính quyền thành phố.

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về  dạy thêm, học thêm quy định “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học”.  (Ảnh minh họa)
Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm quy định “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học”. (Ảnh minh họa)

Đơn cử là trường hợp một giáo viên Trường THCS Phan Chu Trinh, khi đoàn kiểm tra DTHT của phường Tân An đến kiểm tra thì giáo viên này không hợp tác mà tắt điện, khóa cửa. Bên ngoài có rất nhiều phụ huynh đang đứng chờ đón con. Đoàn đứng đợi đến 22 giờ 5 phút thì người nhà của giáo viên này mới về và mở cửa để vào làm việc. Giáo viên này xuất trình với đoàn kiểm tra một Giấy phép DTHT được cấp tại địa chỉ số 51 và 2C đường Nguyễn Thái Học (phường Tân Lợi) do người khác đứng tên (giáo viên này chỉ tham gia dạy). Trong thời gian đoàn kiểm tra đứng ngoài cổng, các hộ dân sinh sống hai bên đường tập trung rất đông gây mất trật tự, Đoàn phải đề nghị Công an phường đến ổn định tình hình.

Bà Dương Thanh Tâm, cán bộ Văn hóa, Phó trưởng Đoàn kiểm tra DTHT phường Tân An kể: “Lúc ấy, có rất nhiều người đã lấy điện thoại quay phim, chụp hình, chửi bới, nhục mạ, đe dọa đoàn kiểm tra. Khi lập xong biên bản, thông qua cho thầy giáo nghe, nhưng người này không ký biên bản”.

Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột cho biết đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT trực tiếp tổ chức họp kiểm điểm đối với giáo viên các trường TH, THCS vi phạm quy định dạy thêm để xem xét, phân tích nội dung vi phạm, mức độ sai phạm và đề xuất hình thức kỷ luật viên chức theo đúng quy định. Trên cơ sở đó UBND thành phố sẽ xử lý những viên chức này. Cụ thể, không xếp loại thi đua năm học 2016-2017, điều chuyển đến các trường có điều kiện khó khăn ngay sau khi kết thúc năm học 2016-2017; xem xét xử lý kỷ luật một số trường hợp cố tình vi phạm. Không chỉ kiên quyết xử lý giáo viên dạy thêm trái quy định, hiệu trưởng các trường có giáo viên vi phạm sẽ bị hạ thi đua, còn với nhà trường sẽ bị cắt thi đua năm học 2016-2017.

Đối với 10 trường hợp giáo viên THPT, CĐ, ĐH tổ chức dạy thêm trái quy định mà các xã, phường chỉ mới lập biên bản, chưa xử lý vi phạm hành chính, UBND thành phố yêu cầu các địa phương này thực hiện đúng quy định, sau đó sẽ gửi văn bản thông báo cho các đơn vị trực tiếp quản lý giáo viên vi phạm dạy thêm.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hưng thẳng thắn: Bên cạnh một số xã, phường quyết liệt thực hiện thì vẫn còn tình trạng nể nang, chỉ kiểm tra cho có lệ, hoặc kiểm tra vào thời gian không có học sinh học; kiểm tra nhưng không xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ lập biên bản. Những nội dung này, UBND thành phố sẽ cho làm rõ ở buổi họp sơ kết rút kinh nghiệm sắp tới. Những địa phương nào mắc những lỗi này, thì lãnh đạo UBND và Trưởng đoàn kiểm tra của địa phương sẽ bị hạ thi đua năm 2017. 

Ninh Kiều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.