Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020

18:32, 29/06/2017

Ngày 29-6, Sở GD-ĐT tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi là Đề án).

Tham dự Hội nghị có đại diện một số sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các phòng GD-ĐT; hiệu trưởng các trường tiểu học, mầm non có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu khai mạc Hội nghị.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa phát biểu khai mạc Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, 3 năm qua ngành Giáo dục tỉnh đã tiến hành quy hoạch mạng lưới trường, lớp bảo đảm quy mô phát triển giáo dục hằng năm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho học sinh DTTS đến trường; đặc biệt là tăng cường tiếng Việt, nhờ đó tỷ lệ học sinh DTTS đi học tăng, học sinh DTTS bỏ học giảm, chất lượng giáo dục trong các trường mầm non, tiểu học được nâng lên.

Năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 266/300 trường mầm non có trẻ DTTS (chiếm 88,7%); 407/423 trường tiểu học có học sinh DTTS (chiếm 96,2%). Đối với bậc mầm non, bình quân qua các năm có từ 90-95% trẻ đạt yêu cầu chuẩn bị về tiếng Việt; còn bậc tiểu học kết thúc năm học 2015-2016, có 95% học sinh hoàn thành chương trình (tăng 3% so với năm học 2013-2014); tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học giảm còn 0,49% (năm học 2013-2014 là 0,56%).

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Theo Đề án, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 35% trẻ em DTTS trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi. Hằng năm,100% học sinh tiểu học DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT chủ trì phiên thảo luận về các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Đề án đúng lộ trình.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT chủ trì phiên thảo luận để thực hiện Đề án đúng lộ trình.

Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học có học sinh DTTS; bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho trẻ em người DTTS; tăng cường công tác xã hội hóa. Đặc biệt xây dựng và thực hiện một số chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS, nhất là ở vùng khó khăn.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.