Hai học sinh Đắk Lắk đoạt giải Ba Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia
Chứng kiến cảnh nông dân thu hoạch hồ tiêu bằng loại thang truyền thống vừa vất vả mà hiệu quả lao động không cao, hai em Nguyễn Xuân Danh và Võ Minh Hải (học sinh lớp 9A1, Trường THCS Lê Văn Tám, huyện Krông Ana) đã sáng chế thành công mô hình “Thiết kế, chế tạo ròng rọc thu hoạch hồ tiêu ở Tây Nguyên”.
Mồ hình này đã đoạt giải Nhất Cuộc thi cấp tỉnh và giải Ba Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh Trung học năm học 2016-2017 khu vực phía Nam.
Võ Minh Hải cho hay, em và Danh là đôi bạn thân từ nhỏ, có cùng sở thích sửa chữa, tái chế các vật dụng hư hỏng trong nhà thành đồ dùng được. Khi biết thông tin về cuộc thi, cả hai quyết định thử sức và chọn mô hình thiết kế thang ròng rọc thu hoạch hồ tiêu làm đề tài tham dự. Hai em đã tìm đến thầy Nguyễn Thành Vinh (giáo viên dạy Toán, Lý trong trường) nhờ góp ý, hướng dẫn.
Tận dụng nguyên liệu có sẵn như thanh sắt, dây cót, bánh xe, yên, bê-đan xe đạp…, ba thầy trò bắt tay vào gia công, lắp ráp hơn một tháng mới hoàn thành chiếc thang ròng rọc, nhưng khi đưa vào thử nghiệm thực tế đã phát sinh những hạn chế ban đầu: người hái tiêu ngồi lên thang không giữ được thăng bằng, di chuyển khó khăn do chưa lắp bánh xe dưới đế chân thang… Ba thầy trò lại tiếp tục nghiên cứu, khắc phục, kiểm nghiệm thực tế thêm 3 lần nữa thì sản phẩm mới hoàn thiện mang đi dự thi.
Thang có hình chóp trụ, cao 4-5 mét, đường kính đáy khoảng 1-1,2 mét, bên trong thang lắp hệ thống ròng rọc động có gắn ghế ngồi và bàn đạp để người hái dễ dàng di chuyển lên, xuống. Nguyên lý hoạt động của thang là người hái tiêu dùng tay bóp phanh đồng thời dùng chân đạp vào trục tời có liên kết với ròng rọc để đưa người lên, đến vị trí muốn dừng thì thả phanh ra, lúc đó sẽ có một thanh ngang tự động chốt lại, cố định chỗ ngồi. Ngược lại nếu muốn hạ xuống thì bóp phanh, hệ thống sẽ tự rút chốt và dần dần đưa xuống. Ưu điểm của thang là người ngồi luôn ở tư thế thoải mái, chủ động, hái được hai tay nên tăng năng suất lao động; thang đứng thăng bằng trên mặt đất nên không làm dập dây, lá tiêu, hạn chế việc hái sót; người ngồi di chuyển lên, xuống dễ dàng, an toàn gọn nhẹ; đặc biệt thang chỉ dùng sức người nên không tốn nhiên liệu, chỉ cần đầu tư từ 1-1,5 triệu đồng là có thể sử dụng lâu dài.
Thầy giáo Nguyễn Thành Vinh cho biết, khi nghe hai em trình bày ý tưởng, thầy rất ủng hộ vì mô hình này có tính ứng dụng thực tế cao. Thang ròng rọc hầu như khắc phục được các nhược điểm của thang truyền thống như giúp người hái tiêu giảm mỏi tay, chân khi thao tác trên thang hàng giờ. Hai em rất có tính kiên trì, sáng tạo, khi đưa thang ra thử nghiệm thực tế, phát sinh nhược điểm là cả hai mày mò khắc phục ngay. Hy vọng thời gian tới, thang ròng rọc của Danh và Hải sẽ được nhiều nông dân Tây Nguyên ứng dụng vào thực tế.
Từ thành công này, hai em cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm nhiều mô hình hay trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông dân giảm bớt sức lao động.
Huỳnh Thủy
Ý kiến bạn đọc