Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số: Chú trọng vai trò của giáo viên đứng lớp

15:34, 22/07/2017

Học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) ở Đắk Lắk chiếm tỷ lệ gần 40% nên vấn đề nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt cho các em được đặc biệt chú trọng.

Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về công tác tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho học sinh DTTS, góp phần cải thiện chất lượng học tập của các em.

Căn cứ thực tế tại địa phương, năm 2010 Sở GD - ĐT đã thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu xây dựng hệ thống bài tập bổ trợ môn tiếng Việt cho học sinh DTTS lớp 1, 2, 3 tại Đắk Lắk”, từ đó xuất bản bộ tài liệu TCTV được biên soạn thành những bài học cụ thể bám sát chương trình môn Tiếng Việt của từng khối lớp nhằm giúp học sinh khắc phục những khó khăn trong quá trình tiếp thu môn học này theo chương trình sách giáo khoa chung của Bộ GD-ĐT. Bắt đầu từ học kỳ II năm học 2014-2015, tài liệu được cấp phát để sử dụng thí điểm tại 22 trường tiểu học (TH) có đông học sinh DTTS. Qua gần 3 năm thực hiện cho thấy nhiều trường đã ứng dụng hiệu quả tài liệu trong giảng dạy, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt cho học sinh DTTS ở các khối lớp 1, 2, 3.

Cô H’Yem Niê, giáo viên có thâm niên dạy lớp 1 ở Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Trường có học sinh DTTS chiếm tỷ lệ gần 90%. Trước đây việc dạy học tiếng Việt gặp nhiều khó khăn. Bộ tài liệu TCTV của Sở GD-ĐT đã giải quyết được những khó khăn mà các em học sinh DTTS thường gặp nên tôi có thể vận dụng một cách thuận tiện, thường xuyên sử dụng trong giờ tiếng Việt trên lớp. Sách in màu đẹp, nhiều tranh, ảnh minh họa cụ thể nên học sinh rất thích và hào hứng, nhờ vậy mà học tập tiến bộ hẳn”.

Học sinh Trường Tiểu học  Mạc Thị Bưởi (TP. Buôn Ma Thuột) học tiếng Việt  theo tài liệu bổ trợ.
Học sinh Trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi (TP. Buôn Ma Thuột) học tiếng Việt theo tài liệu bổ trợ.

Tuy nhiên, việc ứng dụng tài liệu TCTV địa phương vẫn còn gặp những khó khăn như: một số đơn vị chưa làm tốt công tác triển khai, giám sát; có đơn vị đã triển khai nhưng giáo viên đứng lớp chưa vận dụng nhiều vì quỹ thời gian trên lớp còn ít, lại phải tập trung rèn chữ viết cho học sinh… Theo thầy Nguyễn Hòa Phương, chuyên viên Phòng Giáo dục TX. Buôn Hồ thì khó khăn lớn nhất của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện là giáo viên thiếu công cụ để cụ thể hóa nội dung bài giảng, vì vậy cần phải có những chuyên đề cụ thể, những tài liệu thiết thực giúp giáo viên vận dụng một cách có hiệu quả.

Hiện Đắk Lắk đang triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016. Theo Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc tỉnh (Sở GD-ĐT), trong triển khai thực hiện Đề án, cần chú trọng đẩy mạnh truyền thông để các cấp, ngành liên quan nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này,  từ đó quan tâm và có giải pháp thực hiện một cách thiết thực, phù hợp. Trước mắt, cần nhân rộng việc ứng dụng bộ tài liệu bổ trợ tiếng Việt của địa phương dành cho học sinh DTTS các lớp 1, 2, 3, đồng thời  tiếp tục biên soạn tài liệu TCTV cho học sinh DTTS lớp 4, 5 và học sinh bậc học Mầm non trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, phải hết sức chú trọng vai trò của giáo viên trực tiếp giảng dạy và phụ huynh học sinh. Cụ thể, phải có chính sách khuyến khích giáo viên bậc Mầm non và Tiểu học học và biết sử dụng tiếng DTTS để có thể vận dụng giảng dạy song ngữ; đồng thời có chính sách thu hút giáo viên người dân tộc tại chỗ, giáo viên người Kinh biết tiếng DTTS vào dạy Mầm non và lớp 1 ở những trường có đông học sinh DTTS; có chế độ đãi ngộ tương xứng cho đội ngũ giáo viên làm nhiệm vụ TCTV cho học sinh trong năm học và trong dịp hè. Bởi thực tế cho thấy, cùng với tài liệu TCTV được cấp phát, giáo viên đứng lớp phải kiên trì, tận tâm hướng dẫn chỉ bảo thì các  em mới tiếp thu được; mặt khác, khi ở nhà, phụ huynh cũng phải quan tâm, chịu khó giúp con trau dồi kỹ năng sử dụng tiếng Việt mới giúp các em nhanh tiến bộ.

Ths. Lê Thị Ngọc Thơm  

(Ban Nghiên cứu giáo dục học sinh dân tộc - Sở GD-ĐT)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.