Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk: Điểm sáng về chất lượng trong đào tạo nghề vùng Tây Nguyên
Những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk) đã từng bước khẳng định được uy tín – thương hiệu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực Tây Nguyên.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk (30 Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột) có nguồn gốc ban đầu là Trường Trung học Kỹ thuật Y Út Ban Mê Thuột (thành lập vào năm 1957); Trung học Kỹ thuật Ban Mê (từ năm 1965 - 1976); Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ Điện (4 – 1976 đến tháng 3 – 2007); Trường trung cấp nghề (tháng 3 – 2007 đến tháng 6 – 2011); đến tháng 6 – 2011 nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk – đây là giai đoạn phát triển cao nhất của nhà trường về quy mô, số lượng và chất lượng đào tạo; và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk theo Quyết định số 924/QĐ-LĐTBXH ngày 20 – 6 – 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH). Hiện nay, Trường đào tạo 11 nghề hệ cao đẳng gồm: Công nghiệp ôtô; Điện công nghiệp; Cắt gọt kim loại; Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí; Hàn; Thiết kế đồ họa; Công nghệ kỹ thuật ôtô; Kỹ thuật lắp điện và điều khiển trong công nghiệp; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ thông tin và Kế toán. Đồng thời đạo tạo 14 nghề hệ trung cấp và 22 ngành nghề hệ sơ cấp. Trường hiện có tổng số 161 công chức viên chức, trong đó có 62 cán bộ quản lý và giảng viên có trình độ thạc sỹ; có 5 khoa chuyên môn và 4 trung tâm.
Từ năm 2013, Trường được Bộ LĐTBXH đầu tư thiết bị hiện đại cho 3 ngành nghề trọng điểm quốc gia: Công nghệ ôtô, Điện công nghiệp và Cắt gọt kim loại. Hiện nhà trường đang đề nghị bổ sung phát triển thành 5 nghề trong điểm quốc gia và 1 nghề trọng điểm khu vực ASEAN. Hằng năm trường đào tạo 4.000 – 5.000 học sinh sinh viên (HSSV)/năm.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk tọa lạc tại 30 Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: S. Hải |
Hơn 42 năm xây dựng và phát triển (kể từ sau ngày thống nhất đất nước), Trường luôn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ - là địa chỉ đào tạo nghề nghiệp tin cậy, với 40 khóa, gần 15.000 HSSV hệ chính quy và 20.000 người lao động được học nghề ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Ngoài chú trọng công tác đào tạo, nhà trường còn thiết lập được mối quan hệ với gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đưa học sinh đi thực tập sản xuất và giới thiệu việc làm. Nhờ đó, hầu hết HSSV ra trường đều được doanh nghiệp tuyển dụng (đạt tỷ lệ khoảng 80%, riêng 2 nghề hàn và cắt gọt kim loại không đủ cung cấp nhân lực theo nhu cầu của xã hội). HSSV nhà trường được nhiều tổ chức, doanh nghiệp đến liên hệ tuyển dụng khi còn đang học và sau khi ra trường được doanh nghiệp bố trí việc làm đúng bằng cấp, trình độ đào tạo.
Trong năm học 2016 – 2017, trước tình hình khó khăn chung của các trường dạy nghề trong công tác tuyển sinh, nhà trường vẫn thực hiện đạt chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể, tuyển mới được 884 HSSV, trong đó, hệ chính quy Cao đẳng và Trung cấp có 724 HSSV; 29 học viên sau Đại học; 114 SV liên thông Đại học và 17 SV liên thông Cao đẳng. Kết thúc năm học 2016 – 2017, tỷ lệ tốt nghiệp hệ Trung cấp đạt 92,59%; hệ Cao đẳng 97,62%; trong đó loại khá giỏi chiếm hơn 60%.
Hằng năm, Trường đều tổ chức tốt các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề. Đội ngũ giáo viên nhà trường đã đạt nhiều giải cao trong các hội thi, hội giảng. Năm học này, nhà trường đã tổ chức các hoạt động: Hội giảng giáo viên dạy giỏi cấp trường, kết quả có 36 giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi; Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp trường, đã có 16/24 thiết bị đoạt giải được tiếp tục bổ sung tính năng, mở rộng phạm vi ứng dụng đăng ký tham gia hội thi cấp tỉnh năm 2017 và 15 mô hình tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ VI.
Bên cạnh đó, hằng năm nhà trường còn tham gia tích cực công tác xã hội, thăm hỏi tặng quà buôn kết nghĩa; năm 2017 xây dựng quỹ “Đoàn kết tương trợ” được gần 63 triệu đồng; ủng hộ cho một gia đình viên chức gặp khó khăn với số tiền gần 16 triệu đồng; 7 đoàn viên thanh niên của trường cũng tích cực tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo...
Được sự quan tâm của tỉnh, Bộ LĐTBXH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, nhà trường đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Qua đó, Trường đã tiến hành xây dựng, cải tạo sân tập lái ôtô hạng B2 đạt chuẩn Quốc gia với diện tích rộng hơn 9000 m2 và sửa chữa ký túc xá, chống nóng các xưởng; xây mới mở rộng xưởng thực hành khu Đồng – Sơn; nhà thực hành điện lạnh, gara ôtô và đang hoàn thiện phê duyệt thiết kế khu giảng đường 18 phòng học, khu nhà làm việc và hội trường 3 tầng,... đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Thạc sỹ Hoàng Minh Cương, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với những nỗ lực trong thời gian qua, Trường đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm học 2011 – 2012; Bộ LĐTBXH tặng Bằng khen năm học 2014 – 2015; UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong các năm học 2013 - 2014 và 2015 - 2016”... Tin tưởng rằng những thành quả trên sẽ là nền tảng, cơ sở vững chắc tạo động lực để nhà trường tiếp tục giữ vững và phát triển, đáp ứng yêu cầu "Đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp” hiện nay, với định hướng xây dựng Trường Cao đẳng kỹ thuật chất lượng cao (giai đoạn 2017 – 2025), Trường Đại học kỹ thuật sau năm 2025.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc