Multimedia Đọc Báo in

Ước mơ của cô học trò nghèo giỏi Sử

15:55, 02/07/2017

Dù hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nhưng em H’Nhi Niê (dân tộc Êđê), học sinh lớp 9A Trường THCS Cư Đrăm (Krông Bông) vẫn nỗ lực vươn lên với ước mơ trở thành chiến sĩ Công an mang lại sự bình yên cho buôn làng.

 Gia đình H’Nhi Niê thuộc diện hộ nghèo ở buôn Chàm A, xã Cư Đrăm (huyện Krông Bông). Nhà H’Nhi chỉ có mấy sào đất rẫy trồng sắn và trồng bắp; mẹ và em trai thường xuyên ốm đau nên mỗi năm gia đình H’Nhi thiếu ăn vài ba tháng. Tài sản của gia đình H’Nhi ngoài căn nhà gỗ đã xuống cấp, chiếc ti vi cũ ra thì chẳng có gì đáng giá.

Hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng thành tích học tập của cô học trò người Êđê này rất tốt, năm nào cũng được nhận giấy khen về thành tích học tập. Từ năm lớp 1 đến lớp 6, H’Nhi luôn đạt học sinh tiên tiến; năm học lớp 7, lớp 8 em đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện; môn Lịch sử và Địa lý luôn đạt điểm 9, điểm 10. Mới đây, H’Nhi đã đoạt giải Ba cấp huyện, giải Khuyến khích cấp tỉnh môn Lịch sử. H’Nhi tâm sự: “Em rất yêu môn Lịch sử. Hè này em sẽ dành thời gian, cố gắng ôn thật tốt môn Lịch sử để sang năm vào lớp 10 mong được thầy cô tiếp tục chọn tham gia thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh”.

Thầy Hồ Văn Hai, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS Cư Đrăm cho biết: “H’Nhi Niê là một tấm gương học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Gia đình rất khó khăn nhưng em chăm học, gương mẫu, ngoan hiền. Nhi học đều tất cả các môn. Em được các thầy cô và bạn bè trong lớp, trong trường yêu quý”.

 Ngoài lúc học trên lớp, H’Nhi còn dành thời gian giúp bố mẹ công việc nhà. Chị H’Pik Niê, mẹ của H’Nhi chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi trước kia đều thất học. Giờ hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng vợ chồng tôi vẫn cố gắng để các con đến trường. Thương bố mẹ nên ngoài giờ học, H’Nhi dành nhiều thời gian làm việc nhà và giữ em”. 

  Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.