Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó học giỏi nhờ quỹ học bổng hỗ trợ

21:29, 08/07/2017

H’Yên Ksơr (trú xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) là một trong những sinh viên người dân tộc Êđê tiêu biểu của Khoa Giáo dục chính trị (Trường Đại học Tây Nguyên). Năm 2016, H’Yên đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi.

Thành tích học tập của H’Yên Ksơr có được không chỉ nhờ nỗ lực của bản thân mà còn có sự tiếp sức của Quỹ học bổng Vừ A Dính – quỹ học bổng dành riêng cho học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số Việt Nam của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh - đã đồng hành cùng em trong suốt 7 năm học qua.

Từ khi còn học phổ thông, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng H’Yên vẫn cố gắng để đạt thành tích cao trong học tập. Năm học 2009 - 2010, Quỹ học bổng Vừ A Dính phối hợp với Quỹ tài trợ Vinacapital bắt đầu triển khai Dự án “Mở đường đến tương lai” với mục tiêu hỗ trợ một phần về kinh tế, tạo điều kiện giúp nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đến trường. Tấm gương vượt khó học giỏi của H’Yên Ksơr đã đưa em vào danh sách 50 nữ sinh dân tộc thiểu số trong cả nước được nhận học bổng trong suốt 3 năm THPT và 4 năm đại học.

H'Yên Ksor.
H'Yên Ksơr.

Không chỉ được nhận hỗ trợ về tài chính, trong suốt quá trình học tập, H’Yên còn nhận được sự quan tâm, động viên khích lệ từ những người điều hành Quỹ, được tham gia các sự kiện, các buổi giao lưu, hội thảo mà chương trình thực hiện hằng năm nhằm cung cấp cho các em kỹ năng sống, sự tự tin, sức khỏe và dinh dưỡng, lên kế hoạch nghề nghiệp, xây dựng thói quen học tập tốt… Bên cạnh đó, H’Yên còn được sự quan tâm giúp đỡ rất nhiều từ thầy cô, bè bạn. Những sự tiếp sức đó đã khiến cô nữ sinh Êđê trở nên tự tin hơn, có thêm động lực học tập và niềm hy vọng vào tương lai.

H’Yên chia sẻ: “Sự tiếp sức kịp thời của Quỹ học bổng Vừ A Dính đã nâng đỡ tôi rất nhiều trên con đường thực hiện ước mơ của mình”. H’Yên mong muốn tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành ngay tại quê hương Đắk Lắk để có cơ hội ứng dụng kiến thức đã học, cũng là thực hiện mục tiêu của Quỹ học bổng Vừ A Dính: đào tạo nguồn nhân lực nữ dân tộc thiểu số tại chỗ cho địa phương.

Ngọc Thơm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.