Huyện Lắk: Bao giờ hết cảnh mượn tạm trường lớp?
Bước vào năm học mới 2017-2018, huyện Lắk còn nhiều nỗi lo vì thiếu thốn về cơ sở vật chất tại một số trường học, nhất là ở bậc mẫu giáo.
Do thiếu quỹ đất và kinh phí xây dựng trường, một số điểm trường mẫu giáo phải mượn nhà cộng đồng, nhà dân hoặc phòng học ở một số trường tiểu học để có chỗ học cho các cháu, chủ yếu tập trung ở các trường mẫu giáo: Họa My, Hoa Cúc, Hoa Mai, Hoa Sen, Hoa Pơ Lang và Hoa Hồng.
Tại Trường Mẫu giáo Hoa Hồng (xã Đắk Liêng) năm học này có khoảng 400 hồ sơ nộp vào, thực tế Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ duyệt hồ sơ cho 374 trẻ, còn trên 20 trẻ chưa biết sẽ học ở đâu do thiếu phòng học. Hiện tại, Trường có 6 điểm, trong đó, chỉ điểm trường chính có 4 phòng học kiên cố, 5 điểm còn lại phải mượn phòng tại các trường tiểu học và nhà văn hóa cộng đồng buôn. Cụ thể, điểm 1 tại buôn M’Liêng có 1 lớp gồm 33 trẻ, mượn phòng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi; điểm 2 tại buôn Yuk La có 26 trẻ, mượn Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi; điểm 3 tại buôn Tơr có 36 trẻ, mượn phòng của Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh; điểm 4 tại buôn Yuk có 35 trẻ, mượn Nhà văn hóa cộng đồng buôn Yuk; điểm 5 tại buôn Cam có 34 trẻ, mượn phòng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Trên địa bàn xã Đắk Liêng các trẻ trong độ tuổi từ 3-5 tuổi nhiều nên nhu cầu đến lớp cao, trong khi đó, cơ sở vật chất quá thiếu thốn nên một số gia đình có con 3 tuổi buộc phải ở nhà, chờ đến 4-5 tuổi mới cho đến lớp. Cô Lưu Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Hồng cho biết, hầu hết các điểm lẻ của trường mượn tạm phòng học đều thiếu thốn về cơ sở vật chất nên rất khó khăn trong công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của các cháu. Về vấn đề này, UBND xã Đắk Liêng và trường nhiều lần có văn bản kiến nghị bố trí quỹ đất để xây dựng thêm phòng học, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có chủ trương, cô và trò của trường vẫn phải mượn phòng học tạm trong năm nay.
Điểm học tạm của Trường Mẫu giáo Hoa Hồng tại buôn M'Liêng. |
Tương tự, tại Trường Mẫu giáo Hoa Cúc (xã Đắk Nuê) năm nay có 315 trẻ từ 3 - 5 tuổi theo học, nhưng chỉ có 1 điểm trường chính chia thành 6 lớp đủ cơ sở vật chất, 5 điểm còn lại phải mượn Nhà văn hóa cộng đồng tại các buôn và nhà dân. Cụ thể, điểm 1 có 30 trẻ phải mượn Nhà văn hóa cộng đồng buôn Kde; điểm 2 có 25 trẻ, mượn Nhà văn hóa cộng đồng buôn Mil Triết; điểm 3 có 30 trẻ, mượn Nhà văn hóa cộng đồng buôn Dhăm; điểm 4 có 25 trẻ, mượn điểm trường tiểu học trên địa bàn và điểm 5 có 25 trẻ, mượn nhà người dân tại buôn Dlây. Cô Trần Thị Thành, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Cúc chia sẻ, việc mượn phòng học tạm cho các cháu chỉ là bất đắc dĩ. Bởi, ở các điểm trường tạm, không gian phòng học không phù hợp, rất khó khăn cho giáo viên trong việc trang trí phòng học. Chưa kể, khi mượn Nhà văn hóa cộng đồng, nhiều lúc có các cuộc họp, buộc giáo viên phải cho các cháu nghỉ học bất thường. Còn đối với những lớp học mượn nhà dân cũng bấp bênh không kém, bởi khi người dân có nhu cầu họ sẽ lấy lại nhà, các cháu sẽ phải đến địa điểm xa hơn để theo học. Nhiều trường hợp, cha mẹ không có thời gian đưa đón, đành cho con nghỉ học.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lắk, toàn huyện có 673 phòng học các cấp từ mầm non đến THCS, năm học này, nhiều trường tại địa bàn huyện cơ sở vật chất còn tạm bợ, thiếu thốn. Trong đó, trường THCS có 175 phòng, riêng phòng học bán kiên cố chiếm tới 44 phòng; bậc tiểu học có 391 phòng, trong đó 84 phòng kiên cố, 6 phòng học tạm; bậc mầm non có 107 phòng, trong đó, bán kiên cố 50 phòng, 13 phòng học tạm. Do nguồn kinh phí có hạn, việc đầu tư cơ sở vật chất trong năm học 2017-2018 chủ yếu dành cho bậc tiểu học, còn các trường mẫu giáo chỉ được xây dựng 4 phòng tại xã Yang Tao và 1 phòng tại xã Buôn Triết.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc