Khởi sắc giáo dục vùng Tây Nguyên
Thực hiện Kết luận số 12-KL/TW, ngày 24-10-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020” và Quyết định số 1951/QĐ-TTg, ngày 1-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển giáo dục đào tạo (GD-ĐT) và dạy nghề vùng Tây Nguyên”, chất lượng GD-ĐT vùng Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực.
Đảm bảo quy mô, cơ cấu bậc học
Kết thúc năm học 2016-2017, toàn vùng Tây Nguyên có 3.351 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT) với gần 1,5 triệu học sinh các cấp, tăng 67 trường và hơn 16 nghìn em so với năm học 2015-2016. Trong đó tỉnh Đắk Lắk có số lượng trường học nhiều nhất với 1.012 trường, kế đến là tỉnh Gia Lai 827 trường, Lâm Đồng 718 trường, Kon Tum 416 trường, Đắk Nông 378 trường. Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau ngày giải phóng toàn tỉnh chỉ có 162 cơ sở giáo dục, với 1.000 giáo viên, cán bộ quản lý, nhưng đến năm học 2016-2017 đã có hơn 1.000 trường học các cấp, hơn 454.000 học sinh, 31.216 giáo viên, cán bộ quản lý; 15 huyện, thị xã, thành phố có trung tâm học tập thường xuyên; 184/184 xã, phường có trung tâm học tập cộng đồng.
Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể giai đoạn 2011-2015, toàn vùng đầu tư 2.391 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục. Từ nguồn vốn của Chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, 4.829 phòng học và 2.607 phòng ở cho giáo viên đã được xây dựng với tổng kinh phí 1.628 tỷ đồng. Ngoài hệ thống giáo dục công lập, các tỉnh Tây Nguyên đã đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa để xây dựng hệ thống trường tư thục từ bậc mầm non đến đại học, góp phần bảo đảm tốt điều kiện học tập cho gần 1,8 triệu học sinh, sinh viên trong vùng.
Công tác huy động học sinh đến trường toàn vùng năm học 2016-2017 đã đạt mức bình quân chung của cả nước; trong đó tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 99,2%, học sinh tiểu học (TH) đi học đúng độ tuổi đạt 99%, học sinh trung học cơ sở (THCS) trong độ tuổi đạt 84%, học sinh THPT trong độ tuổi đạt 54%; tỷ lệ sinh viên đại học đạt con số 230/vạn dân.
Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) Trịnh Dũng cho rằng, một trong những chính sách ưu tiên lớn đối với GD-ĐT vùng Tây Nguyên là chế độ đào tạo cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Các tỉnh Tây Nguyên đã cử tuyển được 1.944 chỉ tiêu, trong đó đào tạo trình độ đại học 1.599 em, cao đẳng 91 em và trung cấp chuyên nghiệp 254 em. Cùng với đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng ưu tiên cho giáo dục học sinh dân tộc thiểu số. Hiện toàn vùng có 19 trường dân tộc nội trú cấp tỉnh với 5.538 học sinh; 38 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện (8.959 học sinh). Ngoài ra, còn có nhiều trường phổ thông dân tộc bán trú được đầu tư xây dựng ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, đã tạo thuận lợi cho phát GD-ĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo
Cùng với mở rộng quy mô trường lớp học, ngành Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT đạt hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Nhờ đó chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên. Đơn cử, năm học 2016-2017 toàn vùng có 100 học sinh đoạt giải quốc gia (tăng 12 giải so với năm học 2015-2016), gồm: 13 giải Nhì, 32 giải Ba và 55 giải Khuyến khích; trong đó tỉnh Lâm Đồng (31 giải), tỉnh Đắk Lắk (25 giải, tăng 2 giải so với năm học trước). Trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, toàn vùng có 193 dự án, sản phẩm đoạt giải (gồm: 11 giải Nhất, 41 giải Nhì, 58 giải Ba và 83 giải Khuyến khích).
Sinh viên Y khoa Trường Đại học Tây Nguyên trong giờ thực hành. |
Về giáo dục đại trà, năm 2017 các tỉnh Tây Nguyên có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trên 92%, trong đó tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của tỉnh Đắk Lắk là 95,19%. Công tác phổ cập giáo dục được các tỉnh trong vùng chỉ đạo thực hiện quyết liệt để đạt chuẩn và giữ vững chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Riêng tỉnh Đắk Lắk năm 2000 đạt phổ cập TH và xóa mù chữ; năm 2009 đạt phổ cập THCS; năm 2016 đạt phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hiện nay tỉnh Đắk Lắk có 68/152 xã đạt tiêu chí về trường học, 128/152 xã đạt tiêu chí về giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên có một thực tế là ngay trong nội tại vùng Tây Nguyên, còn sự chênh lệch lớn về chất lượng giáo dục giữa học sinh dân tộc Kinh với học sinh các dân tộc thiểu số; giữa học sinh vùng thuận lợi với học sinh vùng khó khăn. Cơ sở vật chất trường lớp nhiều nơi thiếu và xuống cấp, hiện toàn vùng còn 900 phòng học tạm và 2.265 phòng học bán kiên cố, thiết bị phục vụ giảng dạy còn thiếu, vẫn còn tình trạng học ghép. Việc thực hiện một số chính sách ưu đãi đặc thù về GD-ĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu… Theo Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội (Ban Chỉ đạo Tây Nguyên) Trịnh Dũng, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; chuyển trọng tâm phát triển đào tạo nguồn nhân lực của vùng từ phát triển quy mô sang nâng cao chất lượng và hiệu quả; đào tạo theo nhu cầu của thị trường và xã hội.
Năm học 2016-2017 toàn vùng có 100 học sinh đoạt giải quốc gia (tăng 12 giải so với năm học 2015-2016); trong đó tỉnh Đắk Lắk (25 giải, tăng 2 giải so với năm học trước). Trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, toàn vùng có 193 dự án, sản phẩm đoạt giải. |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc