Multimedia Đọc Báo in

Tạo môi trường rèn luyện tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

06:44, 12/08/2017

Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non (MN), tiểu học (TH) là hết sức cần thiết, tạo nền tảng nâng cao chất lượng dạy học.

Nhiều cách tăng cường tiếng Việt

Những năm qua, ngành Giáo dục Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS bậc MN, TH. Đối với bậc học MN, hằng năm vào dịp hè Sở GD-ĐT đều tổ chức tập huấn bộ tài liệu “Hướng dẫn chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS” do Bộ GD-ĐT ban hành cho lãnh đạo các trường. Đến nay 100% trường MN có trẻ DTTS đã thực hiện chương trình này, kết quả bình quân các năm có từ 90-95% trẻ đạt yêu cầu chuẩn bị về tiếng Việt. Đối với bậc TH, tùy theo điều kiện thực tế, các trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS bằng nhiều cách như: dạy tăng thời lượng, dạy học theo tài liệu tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, xây dựng “Thư viện thân thiện”… Nhờ đó bình quân các năm học có trên 93% học sinh TH người DTTS hoàn thành chương trình môn tiếng Việt. Tỷ lệ học sinh TH người DTTS hoàn thành chương trình tăng, năm học 2013-2014 tỷ lệ này là 92%, đến năm học 2015-2016 đạt 95%. Tỷ lệ học sinh DTTS bỏ học giảm còn 0,49% (năm học 2013-2014 là 0,56%).

Học sinh tiểu học huyện Ea H'leo tham gia các trò chơi dân gian, qua đó tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Việt.
Học sinh tiểu học huyện Ea H'leo tham gia các trò chơi dân gian, qua đó tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Việt.

Theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, đạt được kết quả trên ngoài nỗ lực của ngành Giáo dục, còn nhờ sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển giáo dục dân tộc. Trong đó phải kể đến  chủ trương quy hoạch, phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú; huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, nhất là thực hiện chế độ chính sách về giáo dục dân tộc.

Cùng với đó còn có một số dự án, chính sách đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn như: Chương trình 168, 135; Nghị định 116/2016/NĐ-CP, ngày 18-7-2016 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; Nghị định 61/2001/NĐ-CP, ngày 20-6-2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý đang công tác tại các trường chuyên biệt, ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn… đã giúp đời sống người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên, kéo theo sự phát triển của giáo dục và đào tạo.

Xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình, cộng đồng

Trường Mầm non Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) có 527 trẻ, trong đó trẻ DTTS 320 cháu. Để giúp trẻ học tiếng Việt tốt, nhà trường bố trí mỗi lớp một cô giáo người Kinh và một cô giáo người DTTS. Cô giáo Đỗ Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Ban Giám hiệu trường yêu cầu giáo viên phải sử dụng tiếng phổ thông trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Chỉ những từ phổ thông nào quá khó thì cô giáo mới dùng tiếng DTTS để giải thích. Chưa hết, nhà trường tuyên truyền, vận động phụ huynh tăng cường giao tiếp bằng tiếng phổ thông với trẻ. Qua 5 năm thực hiện chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS, khả năng sử dụng tiếng phổ thông của học sinh MN ở xã Ea Tu được nâng lên. Đặc biệt nhận thức của phụ huynh về việc học của con em đã thay đổi so với trước đây.

Thực tế là phần lớn học sinh TH, MN người DTTS trên địa bàn tỉnh chỉ sử dụng tiếng Việt khi đến trường, còn khi về nhà, về cộng đồng các em đa phần vẫn sử dụng tiếng của dân tộc mình. “Môi trường giao tiếp hạn chế và không thuần nhất là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tính rụt rè, ngại giao tiếp của nhiều em cũng ảnh hưởng tới khả năng học, sử dụng tiếng Việt”, bà H’Yer Knul, nguyên Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc từng chia sẻ.

Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh TH, nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh TH vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk là đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, các bậc cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Bên cạnh đó cần hướng dẫn, hỗ trợ các bậc phụ huynh học sinh tham gia vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ MN, học sinh TH qua việc tạo cơ hội, môi trường giao tiếp, từ đó góp phần xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục vận động phụ huynh DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường và học 2 buổi/ngày để các em có thêm thời gian, cơ hội được tăng cường tiếng Việt.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.