Ấm áp bữa ăn yêu thương dành cho học sinh nghèo
Trong những năm qua, không chỉ cần mẫn “gieo” chữ tại xã vùng khó, thầy cô Trường THCS Bế Văn Đàn (xã Cư K’bang, huyện Ea Súp) còn tích cực vận động tổ chức chương trình “Bữa ăn yêu thương” dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa trường không có điều kiện được ăn no đủ.
Nằm ở địa bàn xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, Trường THCS Bế Văn Đàn có 683 học sinh; trong đó 98% học sinh là người dân tộc thiểu số. Cô Nguyễn Thị Cẩm, Tổng phụ trách Đội nhà trường, cho hay: “Đa số học sinh có hoàn cảnh rất đáng thương. Phụ huynh các em chủ yếu làm rẫy nương, trồng lúa, sắn ở trên đồi; nhà nào càng đông con thì càng cơ cực, đói kém. Có nhiều em ở xa điểm trường, hằng ngày phải trèo đèo, lội suối đi học rất vất vả. Sau giờ học buổi sáng, các em thường ở lại trường chờ đến giờ học buổi chiều; bữa trưa tự mang đi của các em thường chỉ có gói mì tôm sống, ổ bánh mì chia đôi hoặc nắm cơm chấm muối, có em thậm chí phải nhịn đói uống nước qua bữa”.
Trước tình cảnh ấy, thương học sinh, nhiều năm qua các thầy cô Trường THCS Bế Văn Đàn đã tích cực quyên góp, vận động giúp các em có bữa ăn trưa tươm tất hơn. Nhưng trường nghèo, các thầy cô cũng không khá giả gì nên không hỗ trợ các em nhiều hơn được.
Bữa ăn trưa tại trường của các em học sinh THCS Bế Văn Đàn. |
May mắn thay, trong 2 năm qua, Trường THCS Bế Văn Đàn đã nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ từ thiện Kim Oanh thuộc Công ty Địa ốc Kim Oanh (Bình Dương) để xây dựng bếp ăn tập thể và hỗ trợ bữa ăn trưa dành cho các em học sinh nghèo. Năm trước, Quỹ từ thiện Kim Oanh hỗ trợ 108 triệu đồng và đồ dùng thiết yếu cho bếp ăn tập thể; năm học mới 2017-2018, lại tiếp tục hỗ trợ 250 triệu đồng. Có kinh phí, Trường THCS Bế Văn Đàn đã hợp đồng trực tiếp với những cửa hàng buôn bán thịt cá tại chợ huyện để cung cấp thực phẩm tươi sống hằng ngày, bảo đảm chất lượng bữa ăn trưa cho học sinh. Để tiết kiệm chi tiêu, duy trì bếp ăn lâu dài, các thầy cô giáo và các em học sinh phối hợp trồng nhiều loại rau xanh trên diện tích 200 m2 tại khu tập thể nhà trường, bảo đảm việc tự cung, tự cấp nguồn rau xanh cho mỗi bữa ăn. Trung bình mỗi bữa ăn của các em trị giá từ 30.000 – 35.000 đồng, đầy đủ thịt, cá, trứng, rau xanh, bảo đảm đủ dinh dưỡng cho các em học tập.
Dù số lượng học sinh ở lại đông nhưng nguồn hỗ trợ vẫn trong phạm vi hạn hẹp nên nhà trường thống nhất chỉ lựa chọn những em có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo tại các thôn 13, 14, 15, 16 của xã ở lại ăn cơm trưa tại trường. Đây là những điểm thôn xa trường học, việc đi lại của học sinh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lầy lội. Mỗi tuần trung bình có khoảng 250 học sinh được ăn trưa tại trường. Em Sầm Thị Minh, học sinh lớp 9A1, xúc động: “Từ khi được các nhà hảo tâm hỗ trợ, em và các bạn cùng hoàn cảnh khó khăn được ăn trưa ở trường, không còn phải nhịn ăn, ăn đói như trước nữa, lại được ăn nhiều món ngon, bổ dưỡng. Đây là nguồn động viên giúp chúng em yên tâm học tập, cố gắng vượt lên hoàn cảnh”.
Chia sẻ về hoạt động hỗ trợ này, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Oanh kiêm Chủ tịch Quỹ từ thiện Kim Oanh bộc bạch: “Chúng tôi biết hầu hết học sinh nơi đây đều là con em người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, nhà xa, hoàn cảnh khó khăn nên các em phải thường xuyên nhịn đói. Nhưng đáng mừng là các em đều rất ham học, quyết tâm đến trường để học lấy con chữ. Hy vọng việc hỗ trợ các em có được bữa ăn trưa đúng nghĩa sẽ là món quà tinh thần ý nghĩa giúp các em phấn đấu hơn nữa trong học tập, vượt lên hoàn cảnh khó khăn để trở thành người có ích cho xã hội”.
Trang Vũ
Ý kiến bạn đọc