Những lớp học ghép ở vùng sâu
Nằm cách thị trấn Liên Sơn hơn 30 km, Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm (ở xã Đắk Nuê) là trường có nhiều lớp ghép nhất huyện với 3 lớp học ghép hai trình độ (2 lớp ghép trình độ lớp 1+ 2 và 1 lớp ghép lớp 3+4).
Thầy Y Lóa Kmăn đang dạy các em lớp học ghép ( 3 và 4) ở điểm trường buôn Py Pai Bi thuộc Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm, xã Đắk Nuê, huyện Lắk. |
Chúng tôi ghé thăm điểm trường buôn Py Pai Bi nằm cách điểm chính của Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm hơn 5 km. Nơi đây hiện đang có 2 lớp ghép với 22 học sinh. Bên trong các lớp ghép, hai dãy bàn ghế được kê tách biệt với nhau, mỗi trình độ sẽ ngồi một dãy; một tấm bảng cũng được chia làm hai phần mỗi phần ghi nội dung bài giảng riêng cho mỗi trình độ. Thầy Y Lóa Kmăn khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi hết dạy cho học sinh lớp 3 tập đọc lại quay sang dạy học sinh trình độ lớp 4 làm toán. Cả buổi dạy thầy không có thời gian để nghỉ ngơi. Kế bên, lớp ghép trình độ lớp1+2 do cô H’Nhin Ông phụ trách đang cầm tay học sinh lớp 1 nắn nót từng nét chữ. Cô cho biết việc dạy lớp ghép gặp nhiều khó khăn do trình độ của các em khác nhau, tuy nhiên thêm một khó khăn nữa ở đây là các em không được học qua các lớp mầm non mà “lên thẳng” lớp 1 nên giáo viên phải mất nhiều thời gian để bổ sung những kiến thức mà đáng lẽ ra các em được học ở bậc mầm non. Bên cạnh đó, do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhiều phụ huynh chưa chú trọng đến việc học của con em mình, nhiều em đến lớp không có sách vở, dụng cụ học tập. Thương học trò, cô giáo trích tiền lương của mình mua sách vở, bút chì… cho học sinh. “Dù không được đầy đủ nhưng cũng cố gắng có sách vở, dụng cụ học tập cơ bản để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức được học”, cô H’Nhin tâm sự.
“Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. Mỗi lớp ghép không quá 15 học sinh và không quá hai trình độ. Trường hợp đặc biệt có thể ghép ba trình độ nhưng mỗi lớp không quá 10 học sinh. Hạn chế tổ chức lớp ghép ở lớp đầu cấp (lớp 1) và lớp cuối cấp (lớp 5), nên tổ chức lớp ghép gồm các trình độ liền nhau” (Công văn số 9548/BGDĐT-GDTH ngày 13-10-2008 của Bộ GĐ-ĐT về việc hướng dẫn quản lý và tổ chức dạy học lớp ghép cấp tiểu học). |
Thầy Trần Văn Chính, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm cho hay, trường có 3 điểm trường nhưng đều cách nhau hơn 5 km nếu để các em về điểm chính học thì các em rất khó đến lớp, còn nếu mở lớp theo từng trình độ thì không đủ số lượng học sinh. Do đó việc mở lớp ghép là giải pháp “tối ưu” để giúp các em học sinh được đến lớp. Để đảm bảo chất lượng của các lớp học ghép, thầy cô giáo phụ trách những lớp học này hằng năm đều được tập huấn phương pháp giảng dạy cho phù hợp.
Cô H’Nhin Ông đang giảng dạy lớp học ghép trình độ 1+2 ở điểm trường buôn Py Pai Bi thuộc Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm (xã Đắk Nuê, huyện Lắk). |
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Lắk, địa phương hiện vẫn còn 6 lớp ghép bậc tiểu học với 81 học sinh thuộc các trường: Lê Văn Tám (xã Krông Nô), Nơ Trang Lơng (xã Nam Kar), Đặng Thùy Trâm (thị trấn Liên Sơn) và Y Ngông Niê Kđăm (xã Đắk Nuê). Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện cho biết, việc dạy và học ở những lớp ghép hai trình độ gặp nhiều khó khăn, chất lượng cũng không thể bằng những lớp học một trình độ, nhưng đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa thì những lớp học như vậy lại rất hiệu quả. Để nâng cao chất lượng dạy và học, trong thời gian tới phòng sẽ nghiên cứu việc đặt các điểm trường cho phù hợp hơn với điều kiện đi lại của học sinh và phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn những lớp học ghép.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc