Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở giáo dục Mầm non ở vùng sâu

14:54, 15/10/2017

Năm học 2016 - 2017, tỉnh Đắk Lắk đã được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi. Điều đó ghi nhận những cố gắng của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng GDMN. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, bậc học Mầm non hiện vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa…

Nhọc nhằn điểm lẻ

Về quy hoạch mạng lưới trường học mầm non, dù đã đạt được mục tiêu mỗi xã/phường/thị trấn đều có trường mầm non độc lập và 100% thôn, buôn có lớp học mầm non hoặc điểm trường (kể cả thôn, buôn có lớp ghép) nhằm bảo đảm tỷ lệ huy động trẻ em đến trường, nhưng các trường mẫu giáo, mầm non thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới còn nhiều điểm trường lẻ vị trí cách xa điểm chính nên việc đầu tư xây dựng và điều kiện phục vụ hoạt động vui chơi, học tập, ăn bán trú cho trẻ còn hạn chế.

Không có nhà ăn, Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) phải dùng sân chơi để bố trí chỗ ăn cho trẻ.
Không có nhà ăn, Trường Mầm non Sơn Ca (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) phải dùng sân chơi để bố trí chỗ ăn cho trẻ. Ảnh: N. Hoa

Các điểm lẻ đặt tại các thôn, buôn thường chỉ có một phòng học, thường là phòng bán kiên cố, phòng tạm, khó đáp ứng được yêu cầu bảo đảm về nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Đơn cử như ở huyện Krông Bông, Trường Mẫu giáo Cư Pui hiện có 18 lớp, hơn 600 học sinh mà có tới 11 điểm lẻ. Các điểm lẻ này cách nhau khá xa, có điểm cách xa điểm chính gần 20 km, đều thiếu phòng chức năng, ảnh hưởng đến việc học của học sinh cũng như việc quản lý, giám sát của nhà trường. Hay tại xã Yang Reh (huyện Krông Bông), phòng học lớp Mầm non điểm lẻ của buôn Yang Reh dù đã có nhà vệ sinh nhưng chưa có nguồn nước nên hằng ngày cô giáo vẫn phải đi xách nước cách lớp học vài trăm mét mang về để lo sinh hoạt cho các cháu…

Thiếu hụt giáo viên

Bên cạnh đó, bậc học Mầm non còn gặp khó khăn do tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương. Theo bà Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Bông cho biết: “Theo Thông tư 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16-3-2015 quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thì huyện Krông Bông hiện vẫn còn thiếu 123 giáo viên Mầm non, do đó không thể huy động hết trẻ trong độ tuổi 3 và 4 tuổi ra lớp, chỉ ưu tiên trẻ 5 tuổi, còn trẻ dưới 3 tuổi (nhà trẻ) thì các trường không huy động vì không có phòng học và giáo viên. Nguyên nhân của việc thiếu giáo viên là không có định biên, Phòng GD-ĐT cũng đang cùng với UBND huyện tham mưu vấn đề này với UBND tỉnh, Sở Nội vụ để tháo gỡ”.

Lớp học mầm non tại điểm lẻ buôn Yang Reh, xã Yang Reh (huyện Krông Bông) còn thiếu các công trình phụ trợ.
Lớp học mầm non tại điểm lẻ buôn Yang Reh, xã Yang Reh (huyện Krông Bông) còn thiếu các công trình phụ trợ.

 

Theo thống kê của Sở GD-ĐT thì tính đến cuối năm học 2016-2017, trong tổng số 300 trường với 3.201 nhóm lớp bậc học Mầm non trên toàn tỉnh, còn 2.308 lớp chưa đủ thiết bị, đồ chơi theo quy định và 490 điểm trường chưa có đồ chơi ngoài trời…

Việc thiếu giáo viên, phòng học dẫn đến phải duy trì các lớp ghép gồm nhiều độ tuổi học sinh trong cùng một lớp học, gây nên nhiều khó khăn trong công tác nuôi dạy trẻ của giáo viên. Cô giáo Vũ Thị Thủy, một giáo viên Mầm non có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm đang dạy tại điểm lẻ của buôn Yang Reh (xã Yang Reh, huyện Krông Bông) bộc bạch: “Theo điều lệ trường mầm non, mỗi lớp có không quá 35 cháu để bảo đảm cho việc nuôi dạy chất lượng, an toàn. Lớp tôi phụ trách hiện tại có tới 46 học sinh gồm ba độ tuổi 3 – 4 - 5 bởi dù nhà trường đã chủ trương ưu tiên cho trẻ 5 tuổi ra lớp nhưng người dân vẫn đến đăng ký cho các cháu 3-4 tuổi theo học nên rất khó từ chối. Số lượng học sinh trong lớp quá đông, lại gồm 3 độ tuổi khác nhau nên quá trình dạy dỗ rất vất vả”.

Đây cũng là khó khăn đối với nhiều trường mầm non vùng sâu vùng xa, cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng giáo dục Mầm non ở những vùng này tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với những vùng trung tâm, thuận lợi. Thấy rõ thực trang đó, ngành giáo dục tỉnh đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2017-2018 là tiếp tục hoàn thiện mạng lưới trường, lớp và nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non, trong đó đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non, rất cần có những giải pháp thiết thực, đồng bộ từ các cấp, các ngành chức năng để tháo gỡ những khó khăn, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện nuôi dạy các cháu cũng rất cần tính đến việc tính định biên của giáo viên sao cho phù hợp với thực tiễn địa phương, nhất là những nơi có địa bàn rộng, chia cắt, dân cư sống rải rác, buộc phải có nhiều điểm lẻ…

Ngọc Thơm


Ý kiến bạn đọc