Multimedia Đọc Báo in

Những cánh chim không mỏi

10:27, 20/11/2017

Ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn, các thầy cô giáo vẫn ngày ngày bám trường, bám lớp để học sinh không bỏ học giữa chừng.

Mỗi giáo viên là một “cán bộ dân vận”

Với 1 xã có trên 2.200 hộ, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 98% dân số như Cư Kbang (huyện Ea Súp), việc duy trì sĩ số lớp học là một nỗ lực rất lớn của cả cô và trò.

Thầy giáo Trường THCS  Bế  Văn Đàn trò chuyện tâm tình cùng các  học sinh.
Thầy giáo Trường THCS Bế Văn Đàn trò chuyện tâm tình cùng các học sinh.

Ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, việc vận động học sinh vào lớp một rất vất vả bởi nhiều em không học mẫu giáo, ít tiếp xúc với bên ngoài nên rất nhát, ngại đến trường. Vì vậy, ngoài tuyên truyền trên loa đài truyền thanh của xã, qua các buổi họp dân, nhà trường còn thành lập thêm các tổ để phối hợp cùng chính quyền địa phương đến từng nhà vận động học sinh đến lớp. Cô giáo Hoàng Thị Lan chia sẻ, sau mỗi đợt nghỉ dài ngày, hay vào vụ mùa, học sinh nghỉ học khá đông nên giáo viên phải đến tận nhà động viên các em trở lại lớp. Nhiều học sinh theo bố mẹ lên nương rẫy nên thầy cô phải vượt hàng chục cây số để tìm gặp. Có những đợt cao điểm, thầy cô đi liên tục vài tuần liền, lắm khi đi từ sáng sớm đến khuya mới về tới nhà.

Vận động học sinh cấp 1 đã khó, lên cấp 2 càng vất vả hơn, bởi nhiều người dân vẫn quan niệm học nhiều cũng chẳng no bụng, chỉ cần biết chữ là được. Do đó, nhiều học sinh bỏ học vì những lý do khác nhau: ở nhà giúp bố mẹ việc nương rẫy, lo lập gia đình, do bị lưu ban nên ngại bạn bè chê cười… Từ đầu năm học đến nay, Trường THCS Bế Văn Đàn đã có 14 em bỏ học. Thực trạng đó đòi hỏi giáo viên phải cố gắng theo sát học sinh, thấy em nào có dấu hiệu muốn nghỉ học là kịp thời tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh, đến từng nhà vận động, dù đường đi cách trở…

 
"Dù đã ra trường, đi học hay đi làm xa, nhưng nhiều học sinh mỗi lần về quê đều ghé lại thăm trường, thăm hỏi thầy cô khiến chúng tôi rất xúc động. Đó là quả ngọt dành cho những người cả đời gắn bó với sự nghiệp gieo chữ, trồng người ở vùng đất còn nhiều khó khăn này” 
 
Thầy Vũ Thế Vinh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn.

Gieo chữ, gieo cả yêu thương

Cùng với việc truyền dạy kiến thức, các thầy cô giáo ở Cư Kbang còn mang đến học trò sự yêu thương, che chở. Đa số học sinh ở đây có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường nên phải trèo đèo, lội suối đi học rất vất vả; sau giờ học buổi sáng, có em ở lại trường chờ giờ học chiều phải nhịn bữa trưa…Vì vậy, nhà trường luôn cố gắng tìm cách san sẻ khó khăn với các em. Hơn 2 năm qua, Trường THCS Bế Văn Đàn phối hợp cùng Quỹ từ thiện Kim Oanh xây dựng bếp ăn tập thể và hỗ trợ bữa trưa cho học sinh nghèo; tự trồng rau xanh để cung cấp thêm thực phẩm tươi sạch cho các em. Trường Tiểu học Lê Hồng Phong vào đầu năm học đã phối hợp, vận động các cá nhân, tổ chức tặng sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh; nhiều thầy cô giáo còn trích lương của mình để tổ chức các chương trình, hoạt động cho các em nhân dịp lễ, Tết. Nhờ sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, đến nay các em cũng đã được uống nước sạch miễn phí, sử dụng nhà vệ sinh mới thân thiện với môi trường…

Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn trong giờ học môn Tin học.
Học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn trong giờ học môn Tin học.

Sự tận tâm, nhiệt huyết của thầy cô nơi đây đã góp phần duy trì sĩ số học sinh, nhiều trường không còn tình trạng học sinh bỏ học. Các thầy cô như những cánh chim không mỏi, luôn vươn tới những điều tốt đẹp, sống hết mình vì công việc, vì học trò thân yêu.

Ngọc Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.