Multimedia Đọc Báo in

Những giáo viên tận tâm với sự nghiệp trồng người

17:07, 19/11/2017

Như những người chèo đò thầm lặng, các thầy cô giáo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn miệt mài vun đắp cho sự nghiệp trồng người. Dù chuyên môn khác nhau nhưng tất cả họ đều chung một tình yêu nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu…

Thầy giáo trẻ tận tâm với nghề

Tốt nghiệp khoa Vật lý - Công nghệ, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ngãi, năm 2002 thầy Tạ Công Lâm Quốc Bảo về công tác tại Trường THCS Hùng Vương, xã Bình Thuận (TX. Buôn Hồ).

Là giáo viên dạy môn Vật lý lớp 9, nhận thấy môn khoa học thực nghiệm này được xem là “khó nhằn” đối với đa số học sinh, thầy Bảo luôn trăn trở, tìm tòi đổi mới phương pháp giảng dạy để giúp học sinh tiếp cận kiến thức nhanh và hiệu quả nhất. Thầy dành nhiều thời gian soạn giáo án có sự phân loại từng đối tượng học sinh tùy theo học lực kết hợp sử dụng giáo án điện tử để tạo sự sinh động, thu hút trong mỗi giờ lên lớp. Ngoài ra, thầy còn khuyến khích học sinh làm thêm các bài tập để tăng cường khả năng tính toán, rèn luyện tư duy nhanh và tích lũy thêm kiến thức.

Thầy giáo Tạ Công Lâm Quốc Bảo trong giờ lên lớp.
Thầy giáo Tạ Công Lâm Quốc Bảo trong giờ lên lớp.

Bằng sự kiên trì, chịu khó và đầy tâm huyết của mình, thầy Bảo đã thành công khi truyền ngọn lửa đam mê môn Vật lý đến với nhiều học sinh. Nhiều em được thầy trực tiếp bồi dưỡng kiến thức  đã mang vinh quang về cho nhà trường trong kỳ thi học sinh giỏi. Năm học 2016-2017, có 179 học sinh lớp 9 đạt kết quả trung bình trở lên (chiếm 91,33 %), không có em nào học yếu môn Vật lý; có 13 em đạt học sinh giỏi Vật lý cấp thị xã; 18 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và 3 em đoạt Huy chương Đồng trong kỳ thi Olympic Vật lý qua mạng Internet cấp quốc gia.

Không chỉ hoàn thành tốt vai trò giảng dạy, thầy Bảo còn là một tổ trưởng bộ môn, phó bí thư chi bộ gương mẫu, nhiệt tình. Thầy đã kịp thời tham mưu cho nhà trường về đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới công tác kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đại trà của trường và chất lượng mũi nhọn của tổ.

Nhờ tinh thần ham học hỏi, luôn tự trau dồi kiến thức cộng với niềm đam mê, sự tìm tòi sáng tạo, thầy Bảo đã nhiều năm liền được UBND TX. Buôn Hồ tặng Giấy khen, được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp thị xã và cấp tỉnh, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp thị xã... Thầy còn đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi viết sáng kiến kinh nghiệm cấp thị xã.

Cô giáo Êđê “giỏi việc trường, đảm việc nhà”

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Mầm non Đắk Lắk, cô H’Wôt Mlô về công tác tại Trường Mẫu giáo Hoa Lan, xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) đến nay đã gần 30 năm.

Ngoài giờ lên lớp, cô H’Wôt chăm lo phát triển kinh tế  gia đình.
Ngoài giờ lên lớp, cô H’Wôt chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Cô H'Wôt quan niệm, dạy dỗ trẻ mầm non không chỉ đơn giản là chăm sóc và chơi với trẻ mà còn giáo dục, định hướng để trẻ phát triển tư duy từ nhỏ, tạo những nền tảng để trẻ bước vào con đường học vấn sau này. Vì vậy, ngoài những kiến thức vốn có, cô luôn nỗ lực học hỏi, đổi mới cách giảng dạy phù hợp với trẻ. Để thu hút trẻ đến trường, không chỉ đến từng nhà vận động các cháu đi học, cô H’Wôt còn tận dụng phế liệu sáng tạo nên nhiều đồ chơi sinh động, hấp dẫn làm dụng cụ dạy học; học nhiều bài hát múa, kể chuyện cho các cháu… Với nhiều học sinh mầm non ở xã Ea Trang, cô H’Wôt giống như một người mẹ thứ hai, lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy các cháu cách vệ sinh thân thể, tự phục vụ bản thân. Tình yêu nghề, mến trẻ cũng là động lực giúp cô vượt qua những khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn trong gần 30 năm qua.

Không chỉ “giỏi việc trường”, cô H’Wôt còn là người phụ nữ đảm đang trong gia đình. Đặc biệt, cô còn là tấm gương làm kinh tế giỏi ở địa phương, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Ngoài lúa nước, gia đình cô còn nhận khoán trồng rừng và mua thêm đất trồng cây keo. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, từ một hộ nghèo, thu nhập thấp, đến nay gia đình cô giáo H’Wôt có thu nhập từ 100-150 triệu đồng mỗi năm.

Cô giáo H'Wôt cũng gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Nhiều năm liền, gia đình cô được công nhận là gia đình văn hoá, cô còn được Hội Phụ nữ xã biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế.

Cô Tổng phụ trách nhiệt tình, tâm huyết

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, năm 2016 cô Hà Thị Thúy Mai về công tác tại Trường THCS Hùng Vương (thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar). Với lòng yêu nghề, tinh thần hăng hái, năng động của tuổi trẻ, cô Mai được giao nhiệm vụ làm Tổng phụ trách Đội.

 Cô Hà Thị Thúy Mai  và học trò của mình trong lễ tuyên dương học sinh nghèo  vượt khó học giỏi.
Cô Hà Thị Thúy Mai và học trò của mình trong lễ tuyên dương học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cô không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo, mạng Internet… để nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động công tác Đội. Cô luôn bám sát kế hoạch và nhiệm vụ năm học, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tổ chức sinh hoạt Đội, tạo hứng thú cho học sinh. Đối với những học sinh nhút nhát, cô thường xuyên tổ chức các trò chơi để hướng các em vào sinh hoạt tập thể, giúp các em mạnh dạn hơn. Đồng thời, để tránh nhàm chán cho học sinh trong những giờ sinh hoạt, cô đã tìm tòi, sáng tạo cách thức hoạt động như lồng ghép vào các trò chơi dân gian, múa hát sân trường, thể dục nhịp điệu và múa dân vũ, vừa góp phần bồi dưỡng năng khiếu vừa tạo sân chơi lành mạnh cho các em. Cô còn chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh, quản lý học sinh một cách chặt chẽ, kịp thời phát hiện và giáo dục các em vi phạm kỷ luật, vi phạm an toàn giao thông. Nhờ vậy, trong nhiều năm liền Trường THCS Hùng Vương không có học sinh vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có học sinh vi phạm an toàn giao thông.

Sự nhiệt tình, năng động của cô giáo Tổng phụ trách Đội đã góp phần giúp các hoạt động phong trào của liên đội Trường THCS Hùng Vương sôi nổi, hiệu quả. Năm học 2016 - 2017 cô Mai được Hội đồng Đội tỉnh tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi.

Ninh Trang - Mỹ Sự - Bình Nguyên

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.