Huyện Krông Pắc: Chú trọng dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh dân tộc thiểu số
Từ năm học 2010 - 2011, ngành Giáo dục huyện Krông Pắc đã đưa môn học tiếng Êđê vào dạy thí điểm tại một số trường tiểu học có học sinh dân tộc Êđê và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhà trường, phụ huynh cùng các em học sinh.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Ea Knuêk), trường có trên 90% học sinh là người dân tộc Êđê, những tiết học tiếng Êđê luôn diễn ra trong không khí sôi nổi. Nếu như ở những môn học khác, các em còn rụt rè, thiếu tự tin, thì khi học tiếng mẹ đẻ của mình các em hào hứng hẳn lên, nhiều em mạnh dạn xung phong phát biểu, đọc rõ ràng tiếng của dân tộc mình. Em H’Phai Kriêng (học sinh lớp 4A) tự hào: “Em rất thích những tiết học này, ở nhà em bố mẹ không biết viết tiếng Êđê nên khuyến khích con cái học thật tốt tiếng của ông bà”. Cô giáo H’Nher Ayun, chủ nhiệm lớp 4A thì phấn khởi nhận xét: “Nhờ đọc, viết tiếng mẹ đẻ thông thạo nên các em có thể dễ dàng tiếp thu các môn học khác, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của nhà trường”.
Tiết học tiếng Êđê tại Trường TH Nguyễn Bá Ngọc. |
Còn tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Yông), trường có 72 học sinh ở khối lớp 3, 4, 5 học tiếng Êđê, công tác giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho các em luôn được nhà trường quan tâm, chú trọng. Các giáo viên dạy bộ môn này luôn tâm huyết, tận tình, trách nhiệm truyền đạt kiến thức, với mục tiêu giúp các em biết viết, biết đọc, từ đó có ý thức giữ gìn, bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; sau khi hoàn thành chương trình Tiểu học, 100% học sinh biết viết, biết đọc thành thạo tiếng mẹ đẻ.
Từ chỗ chỉ có 6 trường tiểu học, 37 lớp học thí điểm ban đầu, đến nay toàn huyện đã tăng lên 14 trường tổ chức dạy tiếng Êđê với 82 lớp, 1.522 học sinh theo học. |
Ông Nguyễn Huy Hoàng, chuyên viên phụ trách giáo dục Tiểu học và tiếng dân tộc (Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắc) cho biết: bắt đầu từ năm học 2010 - 2011, Phòng đã triển khai dạy tiếng Êđê tại 6 trường tiểu học trên địa bàn huyện. Dù gặp không ít khó khăn về kinh phí, song địa phương đã dành ngân sách cũng như huy động nguồn vốn xã hội hóa giáo dục đầu tư xây dựng, sửa chữa nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa, đáp ứng cơ bản các điều kiện dạy và học môn học này. Phòng chỉ đạo các trường tiểu học tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê trẻ trên địa bàn thôn, buôn có người dân tộc Êđê sinh sống; xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện, chỉ đạo các trường có từ 20 học sinh Êđê ở mỗi khối lớp 3, 4 và 5 sẽ tổ chức dạy tiếng Êđê. Bên cạnh đó, Phòng cử giáo viên là người dân tộc Êđê đi học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy tiếng Êđê do Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk tổ chức; cấp phát đầy đủ sách giáo khoa, vở bài tập, vở tập viết tiếng Êđê cho tất cả học sinh học môn này.
Bởi là môn học đặc thù, trong điều kiện chưa có thiết bị đồ dùng dạy học vì vậy để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, trong các tiết học, giáo viên các trường đã sáng tạo, chủ động làm các đồ dùng dạy học, bổ trợ việc giảng dạy, giúp các em tiếp thu bài nhanh chóng, dễ dàng hơn. Có thể nói việc đưa tiếng Êđê vào giảng dạy tại các trường học tiểu học trên địa bàn huyện Krông Pắc không chỉ giúp học sinh dân tộc Êđê dễ dàng tiếp thu các kiến thức, ngăn chặn hiện tượng bỏ học, mà còn là giải pháp hiệu quả góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc của người Êđê.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc