Multimedia Đọc Báo in

Phập phù... nỗi lo đến lớp

15:26, 08/12/2017

Hiện nay, cơ sở vật chất tại hầu hết các điểm trường của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Krông Nô, huyện Lắk) đều không đảm bảo cho công tác dạy và học.

Cùng với cô giáo Đa Cát Kniêm, Hiệu trưởng nhà trường chúng tôi đến thăm điểm trường lẻ ở buôn Ba Yang, cách điểm trường chính 12 km. Điểm trường này có 2 lớp học, với gần 60 học sinh từ 4-5 tuổi, đang bị xuống cấp trầm trọng. Trong đó, một lớp học tường bị nứt kéo dài hơn 50 cm, rộng từ 3 cm – 5 cm. Vì vậy, cửa sổ của lớp học luôn phải đóng kín vì sợ mở ra tường nhà sẽ sập bất cứ lúc nào.

Một phòng học tại điểm trường lẻ ở buôn Ba Yang xuống cấp nghiêm trọng.
Một phòng học tại điểm trường lẻ ở buôn Ba Yang xuống cấp nghiêm trọng.

Tương tự, điểm trường lẻ tại buôn Đắk Tro, cách điểm chính 3 km - thuộc Dự án tái định cư Thủy điện Buôn Tua Shar đã qua một lần tu sửa, nhưng sau cơn bão số 12 vừa qua một phần mái của lớp học bị tốc. Do chưa có kinh phí để lợp lại mái, nhiều ngày qua 28 học sinh ở đây đã phải học trong cảnh “màn trời chiếu đất”. Không chỉ ở một số điểm trường lẻ mà ngay tại điểm trường chính vào tháng 10-2017 một tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trong giờ ra chơi do thiết bị đồ chơi ngoài trời không bảo đảm an toàn, hậu quả làm hai học sinh phải nhập viện. Sau vụ tai nạn ấy, nhà trường cấm học sinh sử dụng thiết bị, đồ chơi ngoài trời.

Trường Mầm non Hoa Pơ Lang có 1 điểm chính và 6 điểm lẻ, gồm 15 lớp học, với 455 học sinh, trong đó có 346 học sinh dân tộc thiểu số (chiếm 76%). Cô giáo Đa Cát Kniêm cho biết: “Hầu hết cơ sở vật chất tại các điểm trường đều xuống cấp, thiếu dụng cụ học tập, đồ dùng, đồ chơi. Thậm chí điểm trường lẻ ở buôn Liên Krắc, cách điểm chính hơn 10 km phải học tạm tại điểm lẻ của Trường Tiểu học Lê Văn Tám”. Ngoài điểm trường chính và điểm trường lẻ ở buôn Đắk Tro có điện thắp sáng và nước sinh hoạt, còn lại các điểm trường khác giáo viên và học sinh phải “tự thân vận động”. Hằng ngày, cả cô giáo và học sinh tự mang cơm, nước uống đến trường để học 2 buổi/ngày. Có nhiều học sinh, bố mẹ bận đi làm rẫy xa, nên mỗi buổi sáng đưa con tới lớp là pha sẵn mì gói để các cháu ăn trưa. Mấy hôm nay, trời trở lạnh nên cô giáo dặn phụ huynh học sinh không nên chế mì trước vì không đảm bảo an toàn thực phẩm cho trẻ. “Có nhiều học sinh gia đình quá khó khăn, nên bắt ếch, nhái kho muối cho con mang theo để ăn trưa. Đến giờ ăn tôi mở hộp đựng cơm giật thót cả người, còn các em cười hồn nhiên khoe với cô giáo: “Món này nhà con vẫn thường ăn, rất ngon”. Sợ các em bị hóc xương, tôi đã xé nhỏ thức ăn giúp”, cô giáo H’Hương Ntơr ở điểm lẻ buôn Liên Krắc chia sẻ.

Thiết bị đồ dùng, đồ chơi ngoài trời của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang không bảo đảm an toàn cho trẻ.
Thiết bị đồ dùng, đồ chơi ngoài trời của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang không bảo đảm an toàn cho trẻ.

Qua trao đổi với lãnh đạo Trường Mầm non Hoa Pơ Lang được biết, sĩ số học sinh tại các điểm lẻ trong những năm học gần đây liên tục tăng nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên lại không tăng nên ảnh hưởng không nhỏ trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Từ năm 2015 đến tháng 10 - 2017, trường chỉ có một phó hiệu trưởng, đến tháng 11-2017 mới được bổ nhiệm hiệu trưởng và hiệu phó. Hiện nhà trường còn thiếu 10 giáo viên, nhân viên, vì vậy buộc giáo viên phải “xoay xở” để có thể khắc phục tình trạng thiếu nhân lực. Tại điểm trường buôn Ba Yang, cô giáo H’Kia Nay vừa bế con nhỏ hơn 4 tháng tuổi vừa dạy học tâm sự: “Học sinh ở đây đáng thương lắm, quần áo mặc chẳng đủ huống chi đến chuyện ăn uống, học hành. Hôm nào gửi được con cho ông bà ngoại thì không sao, những lúc ông bà bận thì hai mẹ con cùng lên lớp”.

Dẫu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang vẫn bám trường, bám lớp, nỗ lực hoàn thành tốt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Hơn lúc nào hết, các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh ở đây rất mong muốn chính quyền địa phương, ngành Giáo dục các cấp quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng như bố trí nhân lực theo quy định để mỗi ngày đến lớp của cả cô và trò không còn nơm nớp lo sợ…

Hoàng Ân - Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.