Multimedia Đọc Báo in

Gieo mầm ước mơ cho học trò nghèo

15:25, 04/01/2018

Bằng tình thương và lòng nhân ái, hai mươi năm qua, thầy Trần Quang Thông đã nuôi dưỡng, nâng đỡ và hun đúc tinh thần hiếu học cho hàng trăm học trò nghèo.

Tấm lòng của một người thầy

Từng có thời gian dài sinh sống, làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và tham gia làm tình nguyện viên dạy học cho những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ ở công viên Tao Đàn, thầy Thông luôn ấp ủ ước mơ mở một nhà lưu trú để giúp những học sinh nghèo ở xa trọ học, có điều kiện nuôi dưỡng những học trò nghèo vì hoàn cảnh khó khăn mà phải dang dở việc học. Năm 1997, sau một cơn bạo bệnh, thầy Thông xin nghỉ việc về Đắk Lắk sinh sống, từ số tiền ít ỏi vay mượn của bạn bè, thầy lập nên nhà Lưu trú học sinh Đăng Khoa (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột).

Ngày mới thành lập, cơ sở vật chất của nhà lưu trú còn rất đơn sơ, chỉ có căn nhà rộng 120 m2 là nơi ăn ở và học tập của 37 học sinh. Một mình thầy phải tự lo liệu, quán xuyến tất cả, từ việc đôn đốc các em học tập đến nấu ăn, quản lý chi tiêu… Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng thầy Thông đặt ra kế hoạch mỗi năm sẽ nhận vài em có hoàn cảnh khó khăn về nuôi dạy miễn phí. Hễ nghe ở đâu có học sinh cần giúp đỡ, thầy Thông lại lặn lội đến tận nơi tìm hiểu gia cảnh, việc học tập của các em rồi mang về nuôi dạy. Sau khi các trò tốt nghiệp THPT, thầy Thông lại tiếp tục hỗ trợ để các em học lên cao đẳng, đại học; thầy còn dành một số vốn để giúp sức cho những em muốn ra học nghề, lập nghiệp.

Thầy Trần Quang Thông kiểm tra việc học tập của các học sinh ở nhà lưu trú.
Thầy Trần Quang Thông kiểm tra việc học tập của các học sinh ở nhà lưu trú.

Mong muốn học trò hiểu được giá trị của lao động, hằng ngày sau giờ học, thầy Thông đều hướng dẫn các em cách trồng rau, chăm sóc vật nuôi tại khu trang trại của nhà lưu trú để phục vụ cho nhu cầu ăn uống và có thêm chi phí trang trải việc học.

Mái nhà nuôi dưỡng những ước mơ

Từ năm 1997 đến nay, nhà Lưu trú học sinh Đăng Khoa đã cưu mang, nuôi dạy hơn 200 học sinh nghèo, mồ côi từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có nhiều học sinh dân tộc thiểu số. Hiện, Đăng Khoa là “tổ ấm” chung của 25 em học sinh và sinh viên nghèo.

 

Nhà Lưu trú học sinh Đăng Khoa là một trong những đơn vị tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do địa phương tổ chức; thường xuyên hỗ trợ kinh phí, quà tặng học sinh nghèo trên địa bàn mỗi dịp lễ, Tết. Ngoài ra, nơi đây còn nuôi dạy miễn phí nhiều học trò nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa”.

 
 
Phó Chủ tịch UBND phường Tân Tiến Trần Anh Đức

Gắn bó với trường lưu trú đã 7 năm nay, em Mai Văn Sang (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) luôn xem đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Sang có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, lại không mấy khỏe mạnh sau một sự cố bị bỏng xăng khá nặng nên việc sinh hoạt, đi lại không được linh hoạt như chúng bạn. Được thầy Thông đưa về nuôi dưỡng và lo cho ăn học, hiện Sang đang là sinh viên năm 2 ngành Sinh học, Trường Đại học Tây Nguyên. Sau những giờ học tại trường, Sang lại chỉ dạy cho các em nhỏ sống cùng nhà lưu trú học bài, dùng những kiến thức được học giúp thầy trồng rau, nuôi gia súc. Sang cho biết: “Sau này mình muốn có một công việc ổn định để nuôi sống bản thân, cùng thầy tiếp tục “gieo thiện” cho đời.”

 Là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhà, em Phùng Kiềm Phin (học sinh lớp 7, người Dao Đỏ, nhà ở tỉnh Đắk Nông) cũng có gia cảnh rất ngặt nghèo. Bố không may vướng vào vòng lao lý, anh trai tật nguyền, mẹ thường xuyên đau ốm, nhờ sự cưu mang của thầy Thông mà việc học của em không bị đứt đoạn.

Các em sống tại nhà lưu trú chăm sóc vườn rau.
Các em sống tại nhà lưu trú chăm sóc vườn rau.

Không chỉ dạy kiến thức, thầy Thông còn chú trọng đến việc giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh, với mong mỏi sau này bước ra đời các em không chỉ đứng vững trên đôi chân của mình mà còn biết sống vì cộng đồng. Không phụ lòng thầy, nhiều em khi ra trường không chỉ lo cho mình mà còn giúp đỡ người khác. Tiêu biểu như Bùi Quang Bình (quê ở Bình Phước) hiện làm giáo viên dạy âm nhạc ở TP. Hồ Chí Minh, luôn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện và hát cho những bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo nghe giúp họ có thêm động lực để chống chọi với bệnh tật...

Không dừng lại ở đó, thầy Thông dự tính sẽ tiếp tục mở rộng cơ sở để đón nhận, cưu mang nhiều hơn nữa những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.