Multimedia Đọc Báo in

Khi giáo viên mầm non… là nam giới

19:06, 01/01/2018

Từ trung tâm huyện M’Đrắk vượt hơn 30 km đường đèo hun hút, gập ghềnh và khoảng 7 km đường đất đầy những “ổ voi” với bùn đất nhão nhoẹt, chúng tôi mới đến được điểm lẻ của Trường Mẫu giáo Hoa Ban ở thôn 4 (xã Cư San).

Điểm trường mẫu giáo này ngoài là nơi khó khăn, xa xôi nhất của huyện, còn có một điều đặc biệt khi do một thầy giáo đứng lớp.

Thầy giáo Liều Seo Hải (SN 1993, dân tộc Mông), phụ trách lớp lá 4 ở điểm lẻ thôn 4 nhớ rõ chuyện mình trở thành thầy giáo mầm non. Năm 1999, Hải theo gia đình từ tỉnh Lào Cai vào huyện M’Đrắk sinh sống. Năm 2013, Hải đăng ký dự thi vào khoa Sư phạm Mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương (chi nhánh Hà Nội). Ngày Hải đăng ký dự thi ngành học này, bố mẹ không ủng hộ vì nam giới mà dạy học sinh mầm non sẽ vất vả và hơi kỳ, mọi người trêu chọc. Quả đúng như vậy, cả khóa học của Hải lúc ấy có gần 100 sinh viên nhưng chỉ có 3 người là nam giới. Không lâu sau, do bị trêu chọc một sinh viên nam đã chuyển sang học ngành khác, chỉ còn lại Hải và một nam sinh khác.

Thầy Liều Seo Hải đang dạy học sinh ở điểm lẻ Trường Mẫu giáo Hoa Ban.
Thầy Liều Seo Hải đang dạy học sinh ở điểm lẻ Trường Mẫu giáo Hoa Ban.

Tốt nghiệp ra trường, Hải về xã Cư San làm dân quân tại địa phương được 5 tháng với mức lương cũng khá cao. Song, lòng yêu nghề và mong muốn đem kiến thức dạy dỗ học sinh người Mông ở vùng sâu còn nhiều khó khăn cứ thôi thúc Hải quyết định nộp hồ sơ xin đi dạy học. Được nhận vào công tác tại Trường Mẫu giáo Hoa Ban, Hải đã đem kiến thức dạy học sinh đánh vần từng con chữ, học từng bài hát, câu thơ. Hiện tại, lớp học do thầy giáo Hải phụ trách có 42 cháu từ 3 đến 5 tuổi, đều là dân tộc Mông, lớp học 2 buổi/ngày...

 

“Là giáo viên mầm non đang giảng dạy ở nơi khó khăn nhất của huyện nhưng thầy giáo Hải đã chứng tỏ được năng lực chuyên môn cũng như sự tận tâm, yêu nghề, yêu trẻ”.

 

Ông Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện M’Đrắk

 

Thầy Hải chia sẻ, khi mới bắt đầu đi dạy cũng gặp đôi chút khó khăn, ngoài đường sá xa xôi, cơ sở vật chất thiếu thốn, thì còn chuyện phụ huynh chưa tin tưởng vì lần đầu thấy giáo viên mầm non là nam giới nên ái ngại khi cho trẻ đến lớp. Thêm một một khó khăn nữa là việc dạy các cháu múa hát, cột tóc, bấm móng tay hay vệ sinh cá nhân vì không được khéo léo, kiên nhẫn như các cô giáo. Chưa hết, còn nhiều tình huống sư phạm “muôn màu, muôn vẻ” khiến thầy giáo Hải đôi khi thấy lúng túng như: Có bé đang trong giờ học khóc đòi bố mẹ, thầy giáo phải đến dỗ dành, động viên, hay như trong giờ ra chơi các cháu tranh giành đồ chơi, thầy giáo phải đứng ra phân xử...

Với đặc thù nghề nghiệp như vậy nên với cô giáo sẽ dễ dàng hơn, còn với thầy giáo thì hơi … khó! Nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy Hải đã làm “tròn vai” khi vừa là thầy, là mẹ, là bạn... của các cháu. “Đứng trước mỗi tình huống sư phạm, tôi đều nghĩ việc chăm sóc, dạy dỗ các em cũng giống như việc dạy bảo con cháu trong gia đình mình nên dần dần mọi thứ đều ổn thỏa. Cuộc sống nơi đây còn nghèo khó nhưng các em rất ham học, lễ phép, phụ huynh thì tin tưởng, quý mến thầy giáo nên tôi chưa bao giờ hối hận về công việc mà mình đã chọn”, thầy Hải bộc bạch.

Con đường tới điểm lẻ Trường Mẫu giáo Hoa Ban của thầy Liều Seo Hải.
Con đường tới điểm lẻ Trường Mẫu giáo Hoa Ban của thầy Liều Seo Hải.

Hình ảnh thầy giáo Hải ngày ngày đem con chữ, lời ca, tiếng hát dạy dỗ học sinh nghèo nơi đây, thêm một lần nữa giúp chúng tôi thấu hiểu về tình người, về tình yêu nghề, mến trẻ. Đánh giá về nhân viên, đồng nghiệp của mình, cô Trần Thị Xuân, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Ban nhận xét: “Thầy Hải về công tác tại trường đã được 2 năm. Khi thầy Hải đến nhận công tác, ai cũng bất ngờ vì lâu nay nghề mầm non chỉ dành cho phụ nữ. Qua thời gian, thầy Hải không chỉ khẳng định mình không chỉ là một giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, mà còn rất tận tâm với công việc, được các cháu rất yêu quý”.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc