Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục - đào tạo

06:04, 28/01/2018

Cũng như một số địa phương trong cả nước, năm học 2017-2018, ngành GD-ĐT tỉnh đã có nhiều động thái tích cực nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Chủ động hội nhập

Hội nhập quốc tế là một trong 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2017-2018, vì vậy Sở GD-ĐT đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh trong toàn ngành nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế trong GD-ĐT. Triển khai thực hiện Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 nhằm đưa môn ngoại ngữ vào giảng dạy một cách có hệ thống từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, nâng cao trình độ ngôn ngữ và năng lực thực hành các kỹ năng giao tiếp cơ bản cho người học, đáp ứng yêu cầu trong quá trình hội nhập quốc tế. Cùng với đó là trang bị cơ sở vật chất dạy học ngoại ngữ thiết yếu cho các trường phổ thông; lựa chọn chương trình học trực tuyến, các nguồn học liệu mở phù hợp với yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá. Nâng cấp hệ thống thư viện, hệ thống máy tính kết nối Internet tạo cơ hội cho học sinh và giáo viên tìm hiểu và tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tiếp tục triển khai chương trình song ngữ Việt -  Pháp từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông.

Học sinh Trường  Tiểu học - THCS & THPT Hoàng Việt đang học  với giáo viên người  nước ngoài.
Học sinh Trường Tiểu học - THCS & THPT Hoàng Việt đang học với giáo viên người nước ngoài.

Trong năm học 2017-2018, Sở GD-ĐT chủ động xây dựng các kế hoạch nhằm tăng cường học tập kinh nghiệm quốc tế về áp dụng các mô hình giáo dục, đào tạo tiên tiến. Khuyến khích các cơ sở giáo dục như Trường Tiểu học - THCS & THPT Hoàng Việt, Trường Tiểu học - THCS & THPT Victory, các trung tâm ngoại ngữ - tin học mời giáo viên nước ngoài đến giảng dạy và đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước. Đặc biệt, đầu năm học 2017-2018, Sở phối hợp với Trường phổ thông quốc tế George Washington (Hoa Kỳ) tổ chức giảng dạy thí điểm chương trình Trường phổ thông quốc tế George Washington, Hoa Kỳ (song song với chương trình Việt Nam) cho học sinh có nhu cầu tại Trường Tiểu học - THCS & THPT Victory. Việc phối hợp đào tạo này nhằm tạo điều kiện cho học sinh của tỉnh có cơ hội được tham gia học tập trong môi trường đào tạo chất lượng cao và chương trình giáo dục phổ thông quốc tế ngay tại địa phương, góp phần đào tạo nguồn nhân lực hội nhập khu vực ASEAN và quốc tế. Quan trọng hơn là đào tạo các em học sinh có đủ khả năng ngôn ngữ để học lên bậc cao đẳng, đại học và các chương trình quốc tế ở Việt Nam hoặc ở Hoa Kỳ hay các nước sử dụng tiếng Anh.

Cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh

Là tỉnh miền núi, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, vì vậy công tác hội nhập quốc tế trong GD-ĐT Đắk Lắk thời gian qua gặp phải những khó khăn. Đa phần học sinh, sinh viên thuộc diện khó khăn nên việc chi trả học phí và các khoản chi phí cho các khóa học hoặc thực tập, thực tế tại nước ngoài khó thực hiện. Trình độ tiếng Anh của nhiều cán bộ, học sinh còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sử dụng thành thạo ngoại ngữ như một công cụ để làm việc và giao tiếp hằng ngày. Chưa hợp tác được với nhiều cơ sở giáo dục ở nước ngoài. Việc hợp tác còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng của ngành, đặc biệt là các lĩnh vực trao đổi giáo viên, học sinh; hợp tác đào tạo, bồi dưỡng chưa kết nối hiệu quả với các cơ sở giáo dục ở nước ngoài. Chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tâm huyết, cống hiến hết khả năng của mình cho sự nghiệp phát triển GD-ĐT vùng dân tộc thiểu số.

Các em học sinh tỉnh Đắk Lắk đang học tiếng Nhật.
Các em học sinh tỉnh Đắk Lắk đang học tiếng Nhật.

Nhằm nâng cao chất lượng của các hoạt động hội nhập quốc tế trong GD-ĐT của tỉnh thời gian tới, theo ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT cần tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn - nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học và các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, hợp tác quốc tế... cho cán bộ, giáo viên. Đổi mới, phát triển chương trình đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra - đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Chú trọng tổ chức và cử cán bộ, giáo viên tham dự các hội thảo khoa học quốc tế để được trao đổi thảo luận những kết quả nghiên cứu khoa học với các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các nhà chuyên môn của cơ sở giáo dục đào tạo quốc tế. Về phía UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên và học sinh tham gia các hoạt động hợp tác với nước ngoài. Có chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả học sinh, sinh viên Việt Nam học tập ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp quay trở lại đóng góp xây dựng quê hương. Đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học và hợp tác quốc tế…

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.