Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh dễ dãi gây hại khôn lường

07:13, 10/03/2018

Thông tin trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018, tổ hợp các môn văn, sử, địa sẽ được một số trường đại học như Đại học Công nghệ Đồng Nai, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nam Cần Thơ, Đại học Hùng Vương TP. Hồ Chí Minh… dùng xét tuyển cho cả ngành ngoại ngữ, kỹ thuật, công nghệ, kế toán, kiểm toán, thậm chí cả kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin khiến nhiều người sửng sốt.

Không hiểu các trường đại học đó đưa ra phương án tuyển sinh kỳ lạ này nhằm mục đích gì? Nhằm tạo điều kiện để nhiều học sinh có cơ hội được học đại học hơn chăng? Mở rộng cửa đại học đón các em để rồi đẩy các em vào thế “đi không được, ở cũng chẳng xong” vì năng lực học tập không đủ để theo một ngành vốn dĩ đòi hỏi phải học khá các môn thuộc khối khoa học tự nhiên là đang giúp hay đang hại các em?

Với cách tuyển sinh kỳ lạ này, nếu học sinh và các bậc phụ huynh không tỉnh táo sẽ dễ nếm “quả đắng” vì trót đăng ký, nhập học và đóng học phí rồi mới thấy sai thì đã muộn.

Kiến thức ở bậc phổ thông là nền tảng quan trọng để học tiếp ở bậc cao đẳng, đại học. Đa phần các sinh viên học khá, giỏi cũng chính là các em học sinh có lực học khá trở lên ở trường phổ thông. Hiếm có em nào học phổ thông chỉ ở loại trung bình mà lên đại học lại có thể trở thành giỏi hay xuất sắc. Học sinh lớp 11, 12 thường có khuynh hướng học lệch, tập trung ưu tiên cho các môn mình sẽ dùng để xét tuyển đại học. Số lượng các em học đều tất cả các môn, vừa giỏi các môn tự nhiên như toán, lý, hóa vừa tốt các môn khối xã hội như văn, sử, địa là không nhiều. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu nếu như các em có định hướng học tiếp bậc đại học. Nhưng chính vì đặc điểm này nên một em chỉ học tốt văn, sử, địa ở phổ thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi theo học các ngành đòi hỏi nhiều khả năng tính toán như kế toán, kiểm toán, hoặc những ngành đòi hỏi phải có năng khiếu về hình học không gian như chế tạo máy, kỹ thuật ô tô.

Thực tế cho thấy, dù đã chọn ngành học phù hợp với thế mạnh vốn có ở bậc phổ thông, nhiều sinh viên vẫn không thể theo nổi chương trình, đã bị buộc thôi học hoặc bị đưa vào danh sách cảnh báo học vụ. Hẳn nhiều người vẫn nhớ tháng 10-2015, Trường Đại học Tây Nguyên đã gây xôn xao dư luận xã hội khi ra thông báo cảnh báo, buộc thôi học hơn 1.000 sinh viên. Năm 2017, dư luận một lần nữa “nóng” lên trước thông tin hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học tại các trường đại học trong cả nước do kết quả học tập thấp kém, không đạt yêu cầu. Trong danh sách các trường buộc thôi học nhiều sinh viên có không ít trường thuộc top trên, có điểm đầu vào khá cao như: Đại học Bách khoa Hà Nội mỗi năm buộc thôi học khoảng 700-800 sinh viên; Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cảnh báo học vụ hơn 600 sinh viên học kỳ 2, năm học 2016-2017 và buộc thôi học gần 120 sinh viên; các trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh… cũng buộc thôi học tới hàng trăm sinh viên ở các ngành học khác nhau.

Vì vậy, nếu xét điểm thi văn, sử, địa để học kế toán, kiểm toán, kỹ thuật xây dựng…, sinh viên bị buộc thôi học vì điểm không đạt yêu cầu sẽ có nguy cơ càng tăng lên.

Đa phần các tân sinh viên chưa hình dung được nội dung cụ thể của các môn học mà mình sẽ học ở bậc đại học là gì nên nếu các trường đại học xét tuyển theo phương án kỳ lạ trên thì trường sẽ có lợi vì tuyển được nhiều chỉ tiêu nhưng cái hại vô cùng lớn thì sinh viên và gia đình sẽ phải gánh chịu. Thiết nghĩ, các trường đại học cần đặt lợi ích của sinh viên, của xã hội lên trước thay vì chỉ quan tâm làm sao tuyển sinh được càng nhiều càng tốt. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự lãng phí thời gian, tiền bạc của học sinh vì lỡ theo học một ngành mà mình không có khả năng nên học mãi, học hoài mà không thể tốt nghiệp?

Lại Thị Ngọc Hạnh


Ý kiến bạn đọc