Multimedia Đọc Báo in

Ước mơ từ làng

09:03, 29/03/2018
"Ước mơ từ làng” là chương trình truyền hình được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp cùng Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần truyền thông Trương Thanh thực hiện nhằm tìm kiếm, trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
 
Đắk Lắk là địa phương đầu tiên diễn ra chương trình này, có 3 em học sinh nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập đã được trao học bổng trị giá 20 triệu đồng/em.

Tiết chào cờ đầu tuần  mới  đây của Trường THPT Lê Hữu Trác (huyện Cư M’gar) diễn ra thật đặc biệt. Ngoài những nội dung như bao tiết chào cờ khác, toàn trường còn được giao lưu văn nghệ, tham gia trò chơi cùng ca sĩ Y Garia (con trai của cố NSND Y Moan). Đặc biệt hơn nữa, khi chương trình “Ước mơ từ làng” đã trao học bổng trị giá 20 triệu đồng tặng em H’Yết Êban, học sinh lớp 10A1.

Gia đình em H’Yết không có đất ở và đất sản xuất. Mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày của gia đình đều trông chờ vào số tiền đi làm thuê ít ỏi, bấp bênh của bố mẹ. Song những khó khăn về vật chất không làm em H’Yết nản lòng, trái lại em càng nỗ lực học tập nên năm học nào cũng đều đạt học sinh khá, giỏi. Từ nhỏ, H’Yết đã mơ ước trở thành chiến sĩ công an nhân dân để bảo vệ bình yên cho buôn làng. Sau những giờ học trên lớp và phụ giúp bố mẹ các công việc gia đình, thì H’Yết dành toàn bộ thời gian còn lại học tập. “Từ khi biết tin mình được chọn để trao học bổng, em vẫn chưa hết vui mừng vì giấc mơ của em đang dần trở thành hiện thực”, em H’Yết xúc động nói.

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Ngọc Đào trao quà tặng em Lê Thị Thu Thảo (thứ hai từ trái sang) và các học sinh, giáo viên khó khăn.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Ngọc Đào trao quà tặng em Lê Thị Thu Thảo (thứ hai từ trái sang) và các học sinh, giáo viên khó khăn.

Tương tự, hoàn cảnh của em Lê Thị Xuân Thương, học sinh lớp 10A9 Trường THPT Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột) cũng khó khăn không kém. Mồ côi cha, ba mẹ con em ở với nhau trong căn nhà 167 do Nhà nước hỗ trợ. Đất sản xuất không có, mẹ của Thương phải đi lượm ve chai, làm thuê mướn để nuôi các con ăn học, nên sức khỏe giảm sút nhiều. Chính vì vậy, Thương luôn cố gắng học giỏi để sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ và mọi người. Ngày được nhận học bổng “Ước mơ từ làng”, Thương vỡ òa xúc động vì chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ nhận được một số tiền lớn đến thế.          

Ca sĩ Y Garia trao học bổng tặng em H’Yết Êban.
Ca sĩ Y Garia trao học bổng tặng em H’Yết Êban.

Gia đình em Lê Thị Thu Thảo, học sinh lớp 9A, Trường THCS Võ Thị Sáu (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) còn khó khăn hơn rất nhiều. Từ tỉnh Tiền Giang đến thôn Thống Nhất (xã Krông Na) sinh sống, do không có đất ở, đất sản xuất nên cả gia đình Thảo và ba người con của người dì ruột gửi chăm giùm phải tá túc trong căn chòi tạm bợ được xây dựng trên đất mượn của người thân. Khó khăn là vậy, nhưng Thảo luôn cố gắng vượt qua hoàn cảnh, vươn lên trong học tập. Cô Hoàng Thị Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A, Trường THCS Võ Thị Sáu cho hay: “Không chỉ chăm học, Thảo còn rất năng nổ trong các hoạt động của lớp, của trường, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè để cùng tiến bộ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, được sự quan tâm của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và chương trình “Ước mơ từ làng”, Hội Khuyến học tỉnh đã lựa chọn những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập để trao tặng học bổng. Số tiền này phần  nào giúp các em nuôi dưỡng, thực hiện ước mơ học tập, chinh phục kiến thức để sau này giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội. “Ước mơ từ làng” là chương trình truyền hình thực tế mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong ngành nghề giáo dục, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa trên bầu trời tri thức.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.