Multimedia Đọc Báo in

Xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018: Các trường cần xây dựng "chiến lược" dạy học, ôn tập

08:50, 21/03/2018

Ngày 1-3-2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BGDĐT sửa đổi tên và bổ sung, sửa đổi một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng (CĐ) nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy ban hành kèm theo Thông tư số 05/2017/TT-BGDĐT ngày 25-1-2017 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (sau đây gọi tắt là Quy chế tuyển sinh).

Quy chế tuyển sinh năm 2018 có nhiều điểm mới, mà theo ông Nguyễn Hoa Nam, Hiệu phó Trường Tiểu học - THCS & THPT Victory, nguyên Trưởng Phòng Khảo thí, Kiểm định chất lượng giáo dục, Công nghệ thông tin (Sở GD-ĐT), các trường học cần nghiên cứu kỹ để có “chiến lược” tổ chức dạy, ôn tập, định hướng rõ cho học sinh. Về phía học sinh cũng cần đổi mới cách thức học tập, tính toán lựa chọn ngành, trường học phù hợp với khả năng…

Thay đổi lớn nhất ở Quy chế tuyển sinh năm 2018 là thu hẹp khung điểm ưu tiên khu vực và  không còn làm tròn tổng điểm bài thi tự luận lấy đến 0,25. Kỳ thi năm nay, bài thi tự luận (môn Ngữ văn) được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Các môn thi trắc nghiệm đều làm tròn đến 2 chữ số thập phân. “Với cách làm tròn này, điểm xét tuyển sẽ rất sát so với điểm thực tế, bảo đảm mặt bằng chất lượng chung và bảo đảm tính công bằng hơn. Điều này được kỳ vọng sẽ hạn chế việc nhiều thí sinh cho rằng bị trượt “oan” vì quá trình cộng điểm, làm tròn điểm bị thiệt thòi so với các thí sinh khác”. Đối với điểm ưu tiên khu vực, ông Nam phân tích, hầu hết thí sinh của tỉnh Đắk Lắk đều thuộc khu vực ưu tiên I. Theo quy chế tuyển sinh cũ, các em học sinh của tỉnh khu vực I được cộng tối đa 1,5 điểm ưu tiên, còn theo quy định hiện hành, điểm ưu tiên giảm xuống còn 0,75 điểm. Việc “mất” 0,75 điểm trong xét tuyển ĐH, CĐ là không hề nhỏ. Đây lại là “sự thiệt thòi” cho học sinh của tỉnh Đắk Lắk, ảnh hưởng tỷ lệ đầu vào các trường ĐH, CĐ của năm 2018.

Các em học sinh đang nêu thắc mắc về kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 với chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp.
Các em học sinh đang nêu thắc mắc về kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 với chuyên gia tư vấn, hướng nghiệp.

 Song Bộ GD-ĐT cũng đã “mở”, khi chỉ quy định chủ yếu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành sư phạm, đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường và Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD- ĐT trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Do đó có khả năng mặt bằng điểm sàn năm nay không cao như năm ngoái. Giả sử năm 2017 điểm sàn của các trường là 14 hoặc 15 điểm, thì năm nay có thể có trường điểm sàn chỉ là 10 hoặc 11 điểm. Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng cho phép, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Theo đó, cơ hội “đỗ” ĐH, CĐ cũng “rộng mở” hơn.

Xung quanh kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018, ông Nguyễn Hoa Nam cho biết thêm, qua nghiên cứu đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, đề thi năm nay tăng số câu hỏi phân hóa để đảm bảo tính phân hóa khi xét tuyển vào các trường ĐH. Nội dung thi năm 2018 bao gồm chương trình lớp 12 và lớp 11, tập trung chủ yếu ở chương trình lớp 12 chiếm gần 80% (năm 2017, đề thi chỉ bao gồm chương trình lớp 12).

 Học sinh lớp 12 đang tìm hiểu thông tin tư vấn tuyển sinh năm 2018.
Học sinh lớp 12 đang tìm hiểu thông tin tư vấn tuyển sinh năm 2018.

Qua nghiên cứu các đề thi mẫu các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, số câu dùng máy tính cầm tay để tính trực tiếp kết quả chiếm tỷ lệ ít, đòi hỏi thí sinh phải có tư duy, biết chuyển hóa từ câu hỏi đó sang những câu hỏi đơn giản để sử dụng được máy tính cầm tay. Vì vậy, các trường cần sớm xây dựng kế hoạch hay nói đúng hơn là “chiến lược dạy học, ôn tập” năm 2018 phù hợp với từng nhóm trình độ của học sinh. Đổi mới cách dạy đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, bảo đảm tỷ lệ các câu hỏi tự luận và trắc nghiệm trong các đề thi kiểm tra phải cân đối, rèn cho học sinh khả năng tư duy, nhất là phải biết cách chuyển hóa đề thi “khó” về những đề cơ bản để áp dụng được máy tính cầm tay, có như vậy mới đạt kết quả cao, nhằm “bù” lại một vài “thiệt thòi” khi Bộ GD-ĐT bỏ một số chính sách ưu tiên để bảo đảm sự công bằng trong thi cử.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.