Các mô hình trường học nội trú, bán trú ở huyện M'Đrắk: Góp phần tiếp sức cho học sinh vùng sâu, vùng xa
Huyện M’Đrắk hiện có 5 đơn vị trường học có mô hình nội trú, bán trú. Trong những năm qua, các mô hình trường nội trú, bán trú đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của huyện.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tô Hiệu được thành lập năm 2010 nhằm thực hiện công tác phổ cập THCS, nâng cao chất lượng giáo dục tại xã Cư San. Trường hiện có 15 lớp học, 510 học sinh, hầu hết là học sinh dân tộc thiểu số.
Đứng chân tại xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn lớn nhất đối với các thầy cô giáo nơi đây là việc vận động học sinh đến trường bởi hầu hết người dân là đồng bào dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào, đời sống rất khó khăn, nhà ở cách trường học hàng chục cây số đường dốc đồi núi. Hằng ngày, các em học sinh phải lặn lội mất nửa ngày đi bộ đường đèo dốc, xuất phát từ mờ sáng và trở về lúc trời đã tối mịt. Có em phải thuê nhà tạm để ở lại học tập nhưng việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày vô cùng thiếu thốn và khó khăn, không bảo đảm sức khỏe. Những khó khăn ấy khiến tỷ lệ học sinh bỏ học trước đây luôn ở mức cao, đặc biệt là vào các dịp sau nghỉ hè, nghỉ tết hoặc vào tháng giáp hạt, mùa mưa, mùa thu hoạch..., nhiều học sinh bỏ hoặc nghỉ học cả tuần. Vào những dịp này, nhà trường phải cắt cử giáo viên xuống tận các thôn, buôn phối hợp với chính quyền, người có uy tín… tới tận nhà để động viên phụ huynh cho học sinh đến trường.
Trước tình trạng ấy, từ năm 2012, thầy trò nhà trường cùng với phụ huynh học sinh đã xây dựng khu bán trú ngay trong khuôn viên trường. Dù ban đầu chỉ đơn sơ bằng vách gỗ, mái tôn nhưng tại đây các em được sống, học tập, sinh hoạt hòa đồng, những bữa ăn tập thể vui vẻ gắn kết, thắt chặt tình thầy trò. Thầy Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu nói: “Nếu không có khu ở tại trường và những bữa ăn tập thể, có lẽ sĩ số lớp học khó được duy trì. Qua mỗi năm, phụ huynh lại góp công góp của cùng với thầy cô làm thêm vài phòng tạm; đến nay, khu bán trú đã được xây dựng gồm 4 dãy nhà tạm, 16 phòng (mỗi phòng khoảng 12 m2) làm chỗ ăn ở cho 271 học sinh”.
Nhà ăn dành cho học sinh bán trú tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San). |
Ông Phạm Ngọc Thạch, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện M’Đrắk cho biết, hiện nay, toàn huyện có 5 đơn vị trường học có khu bán trú cho học sinh, trong đó có 3 trường THCS bán trú theo quy định của Nhà nước là Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San) với 16 phòng, 271 học sinh; Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Phan Bội Châu (xã Ea Trang) với 10 phòng, 160 học sinh; Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Khuyến (xã Cư Prao) với 8 phòng, 165 học sinh. Ngoài ra, tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành (thị trấn M’Đrắk) còn có khu bán trú dân nuôi với 8 phòng, 100 học sinh dân tộc thiểu số; Trường Phổ thông dân tộc nội trú M’Đrắk với 24 phòng ở nội trú cho 156 học sinh có công trình phụ khép kín...
Đối với hoạt động dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục, mô hình trường học nội trú, bán trú đã góp phần chăm lo, giáo dục toàn diện cho học sinh, làm vơi bớt nỗi lo về duy trì sĩ số ở nhiều trường học vùng sâu, vùng xa... |
Quyết định 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú từ năm 2010 đã có tác động tích cực đến công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, theo Thông tư 05/VBHN-BGDĐT ngày 24-12-2015 của Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh bán trú là học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được cấp có thẩm quyền cho phép ở lại trường để học tập trong tuần, do không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Nhờ vậy, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được áp dụng và đưa vào phục vụ cho công tác bán trú. Sau mỗi buổi học, thay vì phải đi về quãng đường xa xôi, các em được ở lại trong những căn phòng ấm cúng có đủ những điều kiện phục vụ sinh hoạt hằng ngày; được học các kỹ năng sống cũng như các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, từ đó về tuyên truyền cho người thân trong gia đình và bà con tại nơi sinh sống áp dụng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, những bữa ăn nóng tại bếp ăn bán trú đã giúp học trò dân tộc thiểu số ấm lòng và phụ huynh thêm yên tâm cho con đến trường học chữ.
M’Đrắk là huyện nghèo, vùng sâu vùng xa của tỉnh với địa hình rộng, học sinh có nhu cầu ở bán trú là rất lớn. Tuy nhiên, với điều kiện ngân sách eo hẹp của địa phương thì rất cần sự quan tâm, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, sự chung tay của phụ huynh học sinh và cả cộng đồng xã hội giúp đỡ xây dựng nhà ở bán trú cho học sinh nhằm nhân rộng mô hình này trong những năm tới.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc