Multimedia Đọc Báo in

Học nghề - xu hướng mới của giới trẻ

08:51, 29/07/2018

Những năm gần đây, xu hướng học nghề đang được nhiều bạn trẻ Đắk Lắk lựa chọn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thi xong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, Huỳnh Thị Thu (thôn 1, xã Ea Lê, huyện Ea Súp) tìm nơi học nghề làm bánh chứ không nộp hồ sơ xét tuyển cao đẳng, đại học. Nhà Thu có 4 anh chị em, anh trai Thu cũng sớm bỏ chữ học nghề nên em là niềm hy vọng “vào đại học” của gia đình. Khi biết Thu muốn học nghề, gia đình rất tiếc, nhưng vẫn tôn trọng lựa chọn của con. Nói về quyết định của mình, Thu cho biết chỗ em có nhiều người học cao, nhưng ra trường không xin được việc. Gia đình em làm nghề nông, nếu để bố mẹ nuôi tiếp 4 năm đại học, ra trường không có việc làm thì khổ. Nghề làm bánh là sở thích từ nhỏ nên Thu tính lên TP. Buôn Ma Thuột học khóa làm bánh ngắn hạn rồi đi làm kiếm vốn, tích lũy kinh nghiệm, sau này mở quán kinh doanh.

Bàn về việc tìm nghề cho con, phụ huynh Trần Văn Thương (xã Dur Kmăn, huyện Krông Ana) tâm sự, bây giờ ông không còn đặt nặng vấn đề con mình phải đậu đại học. Ông có 3 người con, 2 cô con đầu đều học đại học sư phạm, nhưng ra trường xin việc rất khó khăn. Cô chị dạy hợp đồng ở trường huyện, còn cô em vào TP. Hồ Chí Minh dạy trường tư. Đứa con trai út chuẩn bị tốt nghiệp phổ thông. Ông tính nếu con không thi đỗ vào trường chất lượng, thì cho đi học nghề chứ không nhất định phải vào đại học bằng mọi giá. Bởi để nuôi con 4 năm đại học tốn rất nhiều tiền, nếu ra không xin được việc, gia đình vừa tốn tiền, còn con thì mất một thời gian dài đi học.

Giờ thực hành Công nghệ Ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên. (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Giờ thực hành Công nghệ Ô tô tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Lựa chọn của em Thu và suy nghĩ cho con học nghề của ông Thương không phải là hiếm. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, Đắk Lắk có 22.188 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 5.315 em dự thi để xét tốt nghiệp (tỷ lệ 23,1%). Điều này thể hiện học sinh, phụ huynh đã có cái nhìn khác hơn về định hướng nghề nghiệp trong tương lai và đại học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công. Vấn đề các bạn trẻ quan tâm là học nghề theo sở thích, ra trường dễ xin việc, thu nhập  ổn định… Theo tìm hiểu, những nghề giới trẻ hiện nay hay chọn thường liên quan đến mảng khách sạn, nhà hàng, du lịch, ẩm thực, giải trí... Ưu điểm của những nghề này là thời gian đào tạo ngắn, chi phí học thấp, ra trường tìm được việc ngay. Đó cũng là sự lựa chọn của các bạn đang dở dang chương trình THPT, có thể kết hợp học nghề và hoàn chỉnh văn hóa THPT.

Giảng viên hướng dẫn sinh viên Thú y học thực hành trên vật nuôi. (Ảnh do trường cung cấp)
Giảng viên hướng dẫn sinh viên Thú y học thực hành trên vật nuôi. (Ảnh do trường cung cấp)

Trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp, thì việc học nghề đang là sự lựa chọn của nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên, ông Trần Văn Hùng cho biết, hằng năm nhà trường tuyển sinh từ 700-900 học sinh - sinh viên chính quy, 100 người học nghề ngắn hạn. Mục tiêu của trường là đào tạo nghề gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp. Quá trình dạy, ngoài lý thuyết, nhà trường luôn chú trọng phần thực hành, đảm bảo sinh viên ra trường đều thạo nghề. Những nghề học sinh, sinh viên theo học nhiều, tỷ lệ ra trường có việc làm cao gồm: Cơ khí, Thú y, Bảo vệ thực vật... Theo thống kê của trường, khoảng 80-90 % sinh viên tốt nghiệp ra trường làm đúng chuyên ngành. Trong thời đại công nghiệp 4.0, xu thế học nghề có nhiều thay đổi theo hướng tích hợp liên môn liên ngành và đào tạo chuyên sâu, gắn với văn hóa đặc trưng ở từng địa phương. Tại Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang có thế mạnh về phát triển kinh tế gắn với du lịch nên thời gian tới nhà trường tiếp tục nghiên cứu mở thêm một số nhóm nghề mới liên quan đến dịch vụ du lịch, trang trí nội thất, nghề chăm sóc sắc đẹp…

Hải Đăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.