Multimedia Đọc Báo in

Lớp học đặc biệt giữa buôn làng

06:26, 14/07/2018

Tối tối, sau một ngày lao động vất vả, bà con buôn Drai (xã Ea Na, huyện Krông Ana) không vội nghỉ ngơi, mà hồ hởi kéo nhau đến Nhà văn hóa cộng đồng của buôn học cái chữ.

Có mặt tại buôn Drai vào một buổi tối muộn của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi mới cảm nhận rõ không khí nhộn nhịp, vui tươi như đi “trẩy hội” của bà con nơi đây khi được đi học chữ. Anh Đào Đức Hiệp, nguyên Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Khát vọng xanh cho biết, với mong muốn giúp bà con nơi đây được học chữ, cuối tháng 6 vừa qua, Huyện Đoàn Krông Ana đã phối hợp cùng CLB Khát vọng xanh, CLB Sức sống trẻ và Đoàn xã Ea Na tổ chức lớp học xóa mù chữ cho người dân tại buôn Drai. Từ khi lớp học được mở ra, cứ đều đặn mỗi tối thứ 2, 4, 6 trong tuần, mọi người từ già, trẻ, lớn, bé trong buôn lại í ới gọi nhau, soi đèn để đến lớp học. Chúng tôi gặp chị H’Minh Niê (34 tuổi) đang cùng chồng và con dắt tay nhau vào lớp. Chị tâm sự, trước đây hai vợ chồng thường đi bắt tôm, cá ở sông để bán, vì không biết chữ, làm toán nên người ta mua xong đưa bao nhiêu thì cầm bấy nhiêu. Sau này được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở, chị liền mở một quán bún nhỏ, nhưng tính tiền hay bị nhầm, nhiều khi không đủ tiền mua nguyên liệu. Vậy nên khi biết tin lớp học được mở, chị đã cùng chồng đăng ký học, cả đứa con gái 9 tuổi dù đã biết chữ nhưng vẫn đi theo để ôn tập kiến thức và giúp đỡ bố mẹ học tập.

Các mẹ, các chị cặm cụi tập viết từng con chữ dưới ánh đèn pin.
Các mẹ, các chị cặm cụi tập viết từng con chữ dưới ánh đèn pin.

Hiện tại, lớp học có 40 học viên đủ mọi lứa tuổi tham gia, lớn nhất đã ngoài 50, nhỏ nhất  9 tuổi. Các học viên tham gia lớp học sẽ được hỗ trợ sách giáo khoa, vở trắng, áo mưa và đồ dùng học tập. Phụ trách đứng lớp là đội ngũ các giáo viên, sinh viên, cán bộ công chức, đoàn viên, thanh niên tình nguyện. Bên cạnh dạy chữ, làm toán, các thầy cô còn lồng ghép những kiến thức về an toàn giao thông, pháp luật, sức khỏe sinh sản vào bài học để mọi người có thêm hiểu biết về những kiến thức cơ bản trong cuộc sống, nhờ vậy đã thu hút được bà con đều đặn đến với lớp học.

Không chỉ phụ nữ mà nhiều nam thanh niên cũng tham gia lớp học.
Không chỉ phụ nữ mà nhiều nam thanh niên cũng tham gia lớp học.

Bà H’Ru Hđơk (52 tuổi) - học viên lớn tuổi nhất lớp chia sẻ, bà con trong buôn hằng ngày chỉ biết cặm cụi làm nương rẫy, chẳng biết cái chữ như thế nào. Mỗi khi đi vay vốn, khám bệnh toàn phải điểm chỉ. Giờ có lớp dạy học chữ miễn phí, ai cũng vui. Riêng bà, bà muốn đi học biết chữ để có thể lưu tên con vào điện thoại, mỗi lúc nhớ hay ốm đau, có việc cần có thể gọi cho con. Không chỉ riêng bà H’Ru mà tất cả mọi người tham gia lớp học đều khao khát có thể “đọc thông, viết thạo”. Hình ảnh những ông bố, bà mẹ soi đèn pin đến lớp, cắm cúi tập viết từng con chữ, còn những em bé ngủ say sưa trên lưng mẹ là một hình ảnh thật đẹp về tinh thần ham học của bà con nơi đây. Cứ thế, trong màn đêm thăm thẳm, mọi người ở buôn Drai lại ê a đánh vần, nắn nót tập viết chữ…

Bên cạnh được dạy chữ miễn phí, được sự quan tâm của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Krông Ana, năm nay 40 học viên buôn Drai tham gia lớp học xóa mù chữ trong vòng 2 tháng sẽ được hỗ trợ mỗi người 110 nghìn đồng, được cấp chứng chỉ phổ cập xóa mù chữ sau khi kiểm tra kết thúc khóa học.

Huyền Diệu – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.