Multimedia Đọc Báo in

Chỉ thị của Bộ Giáo dục-Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019

10:52, 20/08/2018

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 – 2019.

Theo đó, năm học 2018- 2019, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9-6-2014 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21-11-2017 của Quốc hội khóa XIV và Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng tham dự Lễ khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa
Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk) tham dự Lễ khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa

Về thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm học 2018 – 2019, Chỉ thị đề ra cụ thể:

Nâng cao chất lượng giáo dục và các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường và thực hiện tốt vệ sinh trường học; tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ứng xử văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.

Giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập; thúc đẩy việc học tập của người lớn.

9 nhiệm vụ chủ yếu của năm học 2018 - 2019 là:

1. Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước

2. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

3. Đổi mới giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông

4. Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục

6. Đẩy mạnh giao quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo

7. Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo

8. Tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo

9. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao

5 giải pháp cơ bản gồm:

1. Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giáo dục và đào tạo

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp

3. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo

4. Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục

5. Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo.

 

Nguyên Hoa (Nguồn Bộ GD-ĐT)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.