Đừng làm giáo viên và học sinh chóng mặt vì đổi mới thi cử!
Ba năm qua, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã có nhiều thay đổi lớn nhằm giảm tốn kém cho gia đình thí sinh nói riêng và cả xã hội nói chung. Tuy nhiên một số thay đổi lại được áp dụng khá đột ngột, làm tăng áp lực cho cả giáo viên và học sinh.
Đơn cử như ngày 28-9-2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo mới quyết định tháng 6-2017 thi Toán theo hình thức trắc nghiệm thay cho tự luận. Vì vậy, cứ mỗi khi có một đề xuất nào đó liên quan đến đổi mới thi là học sinh và giáo viên lại… giật mình!
Ngày 29-7-2018, các báo đưa tin Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Giáo dục lịch sử tổ chức tọa đàm khoa học Chất lượng môn Lịch sử từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Tại hội nghị này, nhiều nhà giáo, nhà khoa học đã mổ xẻ chất lượng đề thi môn Lịch sử, bức xúc cho rằng đề thi năm nay không chỉ vượt quá trình độ học sinh phổ thông mà có nhiều câu đánh đố; không hỏi chỗ chính, lại hỏi chỗ phụ không ai ngờ đến… PGS.Trịnh Đình Tùng, Tổng Thư ký Hội Giáo dục Lịch sử Việt Nam cho biết Hội sẽ gửi văn bản đến Bộ đề nghị bỏ thi trắc nghiệm môn Sử, thay bằng tự luận. Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Trần Đức Cường cũng khẳng định sẽ có kiến nghị chính thức đến Nhà nước, Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề thi môn Lịch sử.
Các thí sinh trao đổi bài sau kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh: D.Tiến |
Có lẽ nhiều giáo viên và học sinh khi nghe thông tin này cũng sẽ băn khoăn, lo lắng vì lẽ nào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm tới lại có thay đổi nữa sao? Dưới góc độ là một phụ huynh, một nhà giáo, tôi không đồng tình với quan điểm muốn bỏ thi trắc nghiệm môn Lịch sử mà quay về thi tự luận như cũ vì lẽ:
Thứ nhất, hình thức thi là tự luận hay trắc nghiệm đều không hoàn hảo, có ưu điểm nhưng cũng có hạn chế. Thi tự luận thì học trò có cơ hội để thể hiện khả năng tư duy lập luận, diễn đạt, sáng tạo… nhưng chấm thi lại phụ thuộc nhiều vào cảm tính của người chấm. Thi trắc nghiệm thì sẽ có một số trường hợp được điểm cao nhờ may mắn “chọn đại” mà trúng nhưng chấm bằng máy nên đảm bảo tính khách quan. Thi trắc nghiệm sẽ kiểm tra được nhiều nội dung hơn, giảm bớt tình trạng sĩ tử ùn ùn kéo về lò luyện thi của các trường đại học.
Thứ hai, đổi mới là cần thiết nhưng không có nghĩa năm nào cũng đổi, chưa kịp mới đã trở thành cũ. Ai cũng biết xã hội luôn vận động không ngừng, nếu chúng ta không đổi mới sẽ trở nên lạc hậu, bị bỏ lại phía sau nhưng điều đó không có nghĩa năm nay đổi mới, năm sau lại thay đổi. Khi giáo viên, học sinh và cả phụ huynh chỉ mới kịp thích nghi, thay đổi cách dạy và học cho phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm không chỉ riêng môn Lịch sử mà cả Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh thì nay lại quay về tự luận như cũ hỏi sao không lo lắng? Sự thay đổi nào cũng phải cần có thời gian để đối tượng chịu tác động thích nghi dần chứ không thể nào hôm nay nói đổi là ngày mai đổi ngay được. Cách dạy và học để thi tự luận khác nhiều với cách dạy và học để thi trắc nghiệm nên không thể thích đổi là đổi.
Mọi sự thay đổi dù ít hay nhiều, lớn hay nhỏ đều gặp không ít khó khăn trong những buổi ban đầu. Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất hiện nay không phải là quay về hình thức thi tự luận như trước đây mà phải làm sao để hình thức thi trắc nghiệm như hiện nay được tổ chức tốt hơn, khách quan hơn, công bằng hơn. Phải tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng đề thi, kiểm soát tốt những cán bộ được giao nhiệm vụ vận hành kỳ thi để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng, chính xác của thi cử, không để những sự việc tiêu cực nghiêm trọng như vụ sửa điểm ở Hà Giang, Sơn La lặp lại. Đừng đẩy các em học sinh vào những cuộc thí nghiệm sai - sửa không có hồi kết!.
Lại Thị Ngọc Hạnh
Ý kiến bạn đọc