Multimedia Đọc Báo in

Điểm sáng giáo dục ở vùng ven

09:23, 04/10/2018

Tháng 9-1993, Trường Tiểu học Phú Thái (thôn 1, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được tách ra từ Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai.

Những ngày đầu thành lập trường, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, nền nếp dạy - học thiếu quy củ, chất lượng giáo dục thường nằm ở nhóm dưới so với các trường học trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó của thầy trò nhà trường và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, Trường Tiểu học Phú Thái đã trở thành một điểm sáng giáo dục ở vùng ven thành phố.

Trường, lớp học đã được đầu tư xây dựng khang trang; trang thiết bị dạy học đủ về số lượng và tăng về chất lượng giúp cho việc dạy và học ngày một quy củ; môi trường học tập được cải thiện, gần gũi với học sinh và phụ huynh. Với những nỗ lực và kết quả đạt được, tháng 1-2015 UBND tỉnh đã công nhận Trường Tiểu học Phú Thái đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Các em học sinh tham quan và đọc sách tại Thư  viện thân thiện.
Các em học sinh tham quan và đọc sách tại Thư viện thân thiện.

Năm học 2017 - 2018 vừa qua, nhà trường có 33 cán bộ, giáo viên nhân viên, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn; có 18 lớp với 457 học sinh, trong đó có 179 học sinh dân tộc thiểu số  em (chiếm 39,16%). Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, sự nỗ lực của giáo viên và học sinh, nhà trường đã đạt được những kết quả hết sức đáng tự hào: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi trên địa bàn vào lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; có 32,11% học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học; 24,26% học sinh có tiến bộ trong học tập và rèn luyện; 97,59% học sinh hoàn thành chương trình lớp học… Điểm đáng chú ý là bên cạnh việc tổ chức dạy học theo nội dung, chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành, Trường Tiểu học Phú Thái còn rất chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Ban Giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, các khối trưởng chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hằng tuần, hằng tháng, trong đó lồng ghép vào các tiết học các chủ đề về đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, nhà trường đã phối hợp với Hội Cha mẹ học sinh tăng cường các hoạt động ngoại khóa nhằm giúp các em có điều kiện trải nghiệm thực tế đời sống, rút ra cho mình những bài học bổ ích từ thực tiễn như: tổ chức cho học sinh đi tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố; thăm các trang trại sản xuất trên địa bàn xã; tổ chức các cuộc thi, hội thi bổ ích như: “Trạng nguyên nhỏ tuổi”, “Ngày hội đọc sách”, “Ngày hội chăm vườn rau, hoa và cây thuốc nam”, “lễ hội ẩm thực”… Những hoạt động này đã giúp học sinh thêm niềm vui trong học tập; đồng thời có cơ hội thể hiện tính sáng tạo, rèn luyện phẩm chất đạo đức và biết đồng cảm, sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Các em học sinh Trường Tiểu học Phú Thái tham gia Hội thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi”.
Các em học sinh Trường Tiểu học Phú Thái tham gia Hội thi “Trạng nguyên nhỏ tuổi”.

Cô Lê Thị Minh Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, trong năm học 2018 - 2019 và những năm học tiếp theo, nhà trường vẫn tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; tích cực đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính sáng tạo, chủ động; tăng cường các hoạt động ngoại khóa bổ ích nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập, vui chơi, sáng tạo, để mỗi ngày đến trường các em đều thấy vui và hạnh phúc.

Nguyễn Đạt


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.