Giáo dục nghề nghiệp là một xu thế tất yếu trong Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia
Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng phát triển kinh tế đất nước, là nơi cung ứng nhân lực lao động qua đào tạo cho thị trường lao động.
Từ hôm nay, Báo Đắk Lắk Online xin trân trọng giới thiệu những nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp:
Bài 1: Giáo dục nghề nghiệp là xu thế tất yếu
Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, GDNN là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. GDNN được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, xu thế người học vào giáo dục đại học vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến tình trạng thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao của những người tốt nghiệp đại học trở lên.
Sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Đắk Lắk đang thực hành nghề. (Ảnh minh họa) |
Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam của Tổng cục Thống kê và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hằng quý, tỷ lệ thất nghiệp rơi vào nhóm tốt nghiệp đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể: quý I-2014 có 72 nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học trở lên thất nghiệp; quý I-2015 có 177,7 nghìn sinh viên, quý I-2016 là 190,9 nghìn sinh viên và quý I-2017 là 138,8 nghìn sinh viên.
Nguyên nhân thất nghiệp xuất phát từ cơ cấu trình độ lao động bất hợp lý. Năm 1979, cứ một người học đại học thì có 2 người trình độ trung cấp, 7 người trình độ công nhân kỹ thuật, nhưng đến năm 2012 thì tỷ lệ này là 1 người học đại học, thì có 0,46 người trình độ trung cấp và 0,58 người lao động kỹ thuật. Theo công bố của Bản tin cập nhập thị trường lao động, năm 2016, 1 người học đại học trở lên chỉ có 0,35 người trình độ cao đẳng, 0,56 người trình độ trung cấp và 0,39 người trình độ sơ cấp. Do vậy, có thể thấy GDNN là một xu thế tất yếu trong Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia để bảo đảm cả về số lượng và chất lượng nhân lực cho thị trường lao động.
Cánh cửa các cơ sở GDNN đang rộng mở, là con đường đưa các bạn trẻ tới thành công trong nghề nghiệp. Năm 2018 cả nước có 1974 cơ sở GDNN, trong đó có 1035 trung tâm GDNN, 551 trường trung cấp và 388 trường cao đẳng được phân bố ở các địa phương, vùng miền trong cả nước. Hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề đều được các trung tâm GDNN, các trường trung cấp, trường cao đẳng tổ chức đào tạo.
Tại tỉnh Đắk Lắk, có 40 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 5 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 23 Trung tâm GDNN (trong đó có 15 Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên cấp huyện), 2 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN.
Bài 2: Một số chính sách giáo dục nghề nghiệp
Sở LĐ-TBXH phối hợp với Báo Đắk Lắk thực hiện
Ý kiến bạn đọc