Giáo dục nghề nghiệp là một xu thế tất yếu trong Chiến lược phát triển nhân lực quốc gia
Bài 2: Một số chính sách giáo dục nghề nghiệp
Xác định được tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho các đối tượng học GDNN.
Chính sách miễn giảm học phí
Người học được Nhà nước miễn học phí trong các trường hợp sau đây:
-Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng là người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; người mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;
-Người tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) học tiếp lên trình độ trung cấp;
-Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ngoài đào tạo nghề,Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên còn trang bị kỹ năng Tin học cho học sinh, sinh viên. |
Chính sách hỗ trợ
-Người học là phụ nữ, lao động nông thôn khi tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo dưới 03 tháng được hỗ trợ chi phí đào tạo theo quy định;
-Học sinh tốt nghiệp trường THCS dân tộc nội trú, trường trung học phổ thông (THPT) dân tộc nội trú, nội trú dân nuôi được tuyển thẳng vào học trường trung cấp, cao đẳng công lập;
-Người học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người học là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc là người khuyết tật, có hộ khẩu thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú khi tham gia chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được hưởng chính sách nội trú theo quy định.
Chính sách sử dụng, tôn vinh
Người học nghề sau khi tốt nghiệp được hưởng các chính sách sau đây:
-Được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang theo quy định; ưu tiên đối với những người có bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên;
-Được hưởng tiền lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động dựa trên vị trí việc làm, năng lực, hiệu quả làm việc nhưng không được thấp hơn mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu hoặc mức lương khởi điểm đối với công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo quy định của pháp luật.
-Người học tốt nghiệp trình độ cao đẳng, được cấp bằng cao đẳng và công nhận danh hiệu: Cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành.
Học sinh Trường Trung cấp Tây Nguyên đang thực tập. |
Chính sách khác
Trong quá trình học tập nếu người học đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc do ốm đau, tai nạn, thai sản không đủ sức khỏe hoặc gia đình có khó khăn không thể tiếp tục học tập hoặc đi làm thì được bảo lưu kết quả học tập và được trở lại tiếp tục học tập để hoàn thành khóa học. Thời gian được bảo lưu 05 năm.
-Những kiến thức, kỹ năng mà người học tích lũy được trong quá trình làm việc và kết quả học tập đã tích lũy được trong quá trình học tập ở các trình độ được công nhận và không phải học lại khi tham gia học các chương trình đào tạo khác.
-Nhà nước có chính sách đào tạo nghề nghiệp cho người lao động để đưa đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài. Trường hợp người đang học tập tại cơ sở GDNN mà đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài thì được bảo lưu kết quả học tập. Thời gian được bảo lưu 5 năm.
-Nhà nước khuyến khích người học tham gia các kỳ thi tay nghề:
Người đạt giải trong các kỳ thi tay nghề quốc gia, thi tay nghề khu vực ASEAN hoặc thi tay nghề quốc tế được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề quốc gia có bằng tốt nghiệp trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT hoặc đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường cao đẳng để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
-Người đạt một trong các giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế, nếu có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp, đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của pháp luật thì được tuyển thẳng vào trường đại học để học ngành, nghề phù hợp với nghề đã đạt giải.
Bài 3: Những ưu thế của giáo dục nghề nghiệp
Ý kiến bạn đọc