Huyện Krông Bông: Nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục
Huyện Krông Bông hiện có 55 trường học ở các bậc học từ Mầm non đến THCS. Vừa qua, UBND huyện đã rà soát, xây dựng Đề án “Sắp xếp, tổ chức lại, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2030”. Nếu thực hiện thành công đề án, đến năm 2030 huyện Krông Bông sẽ giảm được 13 trường, 10 cán bộ quản lý, 22 giáo viên và 26 nhân viên trường học so với hiện tại. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, một số đơn vị gặp khó khăn trong việc sáp nhập lớp, sáp nhập điểm trường và sáp nhập trường.
Theo lộ trình, Trường Tiểu học Cư Pui 2 sẽ sáp nhập với điểm trường THCS Ea Lang (thuộc Trường THCS Cư Pui) thành Trường Tiểu học - THCS Ea Lang. Sau khi sáp nhập, nếu đủ các khối lớp thì trường mới sẽ có khoảng 60 lớp với trên 1.700 học sinh; trong đó khối Tiểu học là 40 lớp, 1.100 học sinh, khối THCS 20 lớp với hơn 600 học sinh. Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, với số lượng lớp và học sinh đông như vậy thì công tác quản lý sẽ gặp nhiều khó khăn, chất lượng giáo dục khó cải thiện. Để bảo đảm chất lượng, không nên sáp nhập hai trường này vì địa bàn xã Cư Pui rất rộng, nhiều điểm trường, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số từ phía Bắc di cư vào.
Một lớp học ở Trường Tiểu học Yang Hăn (Krông Bông). |
Ông Lâm Thanh Tùng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Krông Bông
|
Khó khăn tương tự cũng xảy ra với việc sáp nhập Trường Tiểu học Yang Hăn và điểm trường THCS Cư Đrăm. Hiện nay Trường Tiểu học Yang Hăn có 28 lớp với 907 học sinh; nếu nhập thêm điểm trường THCS Cư Đrăm vào thì số lớp, số học sinh sẽ tăng lên trên 35 lớp với hơn 1.200 học sinh, trong khi điều kiện trường lớp còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cô Vũ Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn ái ngại: “Học sinh của trường đa số là người Mông, nhiều em phải đi học xa. Do thiếu biên chế, thiếu cơ sở vật chất nên tỷ lệ học sinh trên một lớp hiện nay đã rất cao. Nếu sáp nhập thêm bậc học THCS thì trường sẽ bị quá tải, gây khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục vì số lượng học sinh đông, nhà trường lại thiếu quỹ đất, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu”. Theo Đề án, một số đơn vị sáp nhập điểm trường, sáp nhập lớp để cắt giảm biên chế. Nếu thực hiện việc sáp nhập, rất nhiều học sinh sẽ phải đi học rất xa.
Theo nhu cầu của các trường, hiện nay huyện Krông Bông còn thiếu 9 biên chế cán bộ quản lý, 92 biên chế giáo viên Mầm non và hàng chục biên chế giáo viên Tiếng Anh và Tin học bậc Tiểu học; 3 địa phương là xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm lại có nhu cầu tách trường do số lượng lớp và học sinh đông, địa bàn rộng. Theo chỉ tiêu tỉnh giao giai đoạn 2018 - 2021, huyện Krông Bông phải thực hiện cắt giảm 10% biên chế ở các cơ sở công lập, trong đó có ngành giáo dục. UBND huyện Krông Bông đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án và kế hoạch để thực hiện. Tuy nhiên, với thực trạng như hiện nay, việc tinh giảm 10% biên chế của ngành Giáo dục Krông Bông sẽ gặp rất nhiều khó khăn và khó đạt kế hoạch đề ra.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc