Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy niềm vui đọc sách từ thư viện thân thiện

11:48, 21/10/2018

Với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học thông qua việc thiết lập môi trường đọc thân thiện, chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” do Sở GD-ĐT hợp tác với Tổ chức Room to Read (RtR) đã mang lại hiệu quả tích cực, đưa học sinh đến gần hơn với thói quen đọc sách...

Tiết đọc thư viện của lớp 3A1 Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) sôi động hơn khi cô giáo giới thiệu những cuốn sách mới. Các em quây quần lại để lắng nghe câu chuyện về ngày sinh nhật của sói… Khác với trước đây chỉ lắng nghe, bây giờ các em được chủ động kể lại câu chuyện và thuyết trình trước lớp về nội dung câu chuyện vừa mới được nghe cô giáo kể. Em H’My Lan Niê, học sinh lớp 3A1 kể: “Bạn sói trong câu chuyện rất cô đơn và nhờ bạn thỏ mà mọi người đã không còn hiểu lầm bạn sói…”.

Học sinh hào hứng tham gia tiết đọc thư viện tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ).
Học sinh hào hứng tham gia tiết đọc thư viện tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ).

Tiết đọc thư viện là một phần bắt buộc trong chương trình “Thư viện thân thiện”, được bố trí mỗi tuần/1 tiết/1 lớp tại Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng từ năm học 2016 - 2017. Bên cạnh đó, chương trình  còn có những hoạt động mở rộng gồm: viết vẽ, thảo luận và sắm vai kết hợp với các hình thức dạy phù hợp. Cô Phạm Thị Thanh Liễu, cán bộ thư viện Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cho biết, thư viện thân thiện được sắp xếp theo hướng mở nhằm khuyến khích học sinh đến thư viện. Sách được trưng bày trên kệ mở, được dán mã màu: xanh lá, đỏ, cam, trắng, xanh dương và vàng, tương ứng theo trình độ đọc, tạo cơ hội cho học sinh tìm được sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình. Kệ sách được thiết kế bo tròn, tránh gây thương tích cho các em khi vô tình va phải, phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học; các đồ vật khác như: thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp khoa học nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh. Em H’Zurin Mlô, học sinh lớp 3A1 Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng bày tỏ: “Vào giờ ra chơi em rất thích xuống thư viện trường để đọc sách. Em mong muốn sẽ được đọc nhiều cuốn sách hơn nữa để biết thêm nhiều kiến thức bổ ích”.

 
“Thư viện thân thiện” do Sở GD-ĐT hợp tác với Tổ chức Room to Read triển khai với mục đích chung là hình thành cho học sinh tiểu học thói quen đọc sách, giúp học sinh trở thành người đọc độc lập sẽ góp phần nâng cao năng lực ngôn ngữ, khả năng giao tiếp cho học sinh".
 
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc GD-ĐT

Thầy giáo Y Đ’hin Mlô, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng chia sẻ, trường có hơn 400 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số. Chương trình Thư viện thân thiện đã mang đến cho các em một cách tiếp cận thông tin mới mẻ, đặc biệt là với các em học sinh dân tộc thiểu số, tạo hứng thú cho các em đến trường. “Từ ngày đưa mô hình thư viện thân thiện vào phục vụ, ý thức học tập của học sinh nâng cao rõ rệt, việc dạy học cũng trở nên hiệu quả hơn. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần trong hai năm triển khai thư viện thân thiện đã tăng lên, chất lượng học môn tiếng Việt tốt hơn, giúp trẻ có kỹ năng đọc tốt; tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em”, thầy giáo Y Đ’hin vui vẻ cho hay.

Chương trình “Thư viện thân thiện” được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 6 - 2016 với 22 trường học của các huyện Cư M’gar, Krông Ana và thị xã Buôn Hồ tham gia, với 399 lớp, 10.245 học sinh (trong đó có 3.576 học sinh dân tộc thiểu số). Theo đánh giá của các trường, chương trình rất phù hợp với học sinh tiểu học, mang lại cho các em nhiều lợi ích. Phát huy hiệu quả, năm học 2017 - 2018, toàn tỉnh có 47 trường tiểu học của 7 huyện, thị xã, triển khai chương trình phục vụ cho 20.659 học sinh (trong đó có 28,4% học sinh dân tộc thiểu số). Ông Hồ Phước Cũng, chuyên viên tiểu học Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar cho rằng: "Chương trình “Thư viện thân thiện” có các hình thức dạy phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Chương trình cũng phù hợp với tiêu chí giáo dục toàn diện của ngành GD-ĐT hiện nay".

Học sinh Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) đăng ký mượn sách về nhà đọc.
Học sinh Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) đăng ký mượn sách về nhà đọc.

Còn ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT đánh giá, trong quá trình vận hành, thư viện đã thu hút sự tham gia tích cực của hội đồng sư phạm nhà trường, các em học sinh, sự ủng hộ của cha mẹ học sinh, các cơ quan đoàn thể của địa phương nên các đầu sách được bổ sung đa dạng, phong phú, học sinh đến với thư viện nhiều hơn. Hiệu quả hoạt động của thư viện thân thiện được ghi nhận và góp phần nâng cao hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh. Năm học 2018 - 2019, Sở GD-ĐT chỉ đạo nhân rộng  mô hình tại 51 trường tiểu học của 15 huyện, thị xã, thành phố.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.