Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với… sách cũ

13:29, 13/10/2018

Trong thời đại công nghệ “số” với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, sách điện tử... những tưởng thói quen đọc sách sẽ dần biến mất. Vậy nhưng, nếu tinh ý, ai cũng có thể tìm thấy những tiệm sách cũ khiêm nhường tồn tại trong không gian nhỏ hẹp với những chồng sách cao xếp kín lối đi. Ở đó, người bán sách và người đọc gặp nhau qua những trang sách đã ngả màu thời gian...

Nhớ thời “hoàng kim”

Nằm nép mình khiêm tốn trên đường Lê Duẩn với chiều ngang chỉ 2 m, nếu không để ý kỹ sẽ khó nhận ra có một tiệm sách cũ với cái tên ngắn gọn: “Dũng”. Ấy vậy mà, đây là điểm đến quen thuộc của những người đam mê và sưu tầm sách cũ ở Buôn Ma Thuột. Chủ tiệm sách, ông Lầu Văn Dũng mở đầu câu chuyện với giọng hoài niệm: “Đã 20 năm tôi gắn bó với nghề, lúc đầu chỉ là vì mưu sinh, nhưng nay những cuốn sách cũ ấy gắn bó với tôi hơn cả bữa ăn, giấc ngủ”. Cái “duyên” đưa ông đến với “nghề” thật đơn giản: Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, khi lên Đắk Lắk làm thuê, nhận thấy có người muốn tìm mua sách cũ nên ông mang sách đi bán trước cổng Trường Đại học Tây Nguyên. Ban đầu, chỉ trải một tấm bạt nhỏ trên lề đường với hai, ba chục cuốn sách. Dần dà, khách quen ngày càng nhiều. Thế là tiệm sách cũ “Dũng” ra đời!

Đến nay, dù tiệm sách có đến hàng chục nghìn cuốn sách cũ nhưng vẫn trông khá ngăn nắp, gọn gàng, sách nào ra sách nấy vì được ông sắp xếp theo từng lĩnh vực như: Văn học, Triết học, Lịch sử, Nghệ thuật, Từ điển, Sách giáo khoa... Chỉ cần nêu tên sách hay thể loại sách, ông Dũng sẽ nhớ ngay nó nằm ở khu vực nào và chỉ tay, khách chỉ việc lựa chọn và mải mê trong bạt ngàn sách. “Cứ rảnh tôi lại mang sách ra đọc rồi lại sắp xếp, lau chùi. Vì thế, tuy sống một mình nhưng tôi không thấy buồn vì có sách làm bạn”, ông Dũng trải lòng.

Ông Nguyễn Nhân Văn bên kho sách cũ đồ sộ của mình
Ông Nguyễn Nhân Văn bên kho sách cũ đồ sộ của mình.

Cũng từ sạp sách cũ vỉa hè, ông Nguyễn Nhân Văn, chủ Nhà sách Nhân Văn ở đường Nguyễn Đình Chiểu đã có cuộc sống ổn định hơn. Ông Văn tâm sự: “Vì đam mê đọc sách nên tôi quyết định mở tiệm bán sách cũ vào năm 1998, vừa buôn bán vừa thỏa mãn thú vui đọc sách của bản thân. Khi ấy, sách cũ rất được ưa chuộng. Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách, nhờ đó giúp cho gia đình tôi thu nhập khá. Con cái lớn lên, ăn học trưởng thành từ những kệ sách cũ này”. “Thời “hoàng kim” của sách cũ là từ những năm 1998 - 2010, ở Buôn Ma Thuột có hàng chục tiệm sách cũ đua nhau “mọc”, giờ chỉ còn vài ba tiệm tồn tại. Nghề này nếu không có tình yêu với sách thì khó mà bám trụ được.” - ông Văn trầm ngâm.

Sách cũ nhưng… giá trị không cũ

Dù đã qua thời “hoàng kim” nhưng sách cũ, với những giá trị rất riêng, vẫn có chỗ đứng nhất định trong lòng những người yêu sách.

Đến tiệm sách cũ “Dũng”, anh Y Kiên Niê (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) thích thú khi nhìn thấy cuốn sách “Chiến thắng trò chơi cuộc sống” của tác giả Adam Khoo. Anh Y Kiên Niê chia sẻ: “Tôi rất thích đọc sách, nhưng không muốn đọc sách điện tử vì đau mắt lắm và thiếu đi cảm xúc thưởng thức sách hay, nên tôi tìm đến đây để mua sách cũ, phần vì giá rẻ hơn rất nhiều so với sách mới”. Cũng lý do tiết kiệm, nhiều học sinh, sinh viên thường tìm đến tiệm sách cũ để mua sách tham khảo, giáo trình mình cần vì giá chỉ khoảng 40% đến 50% so với giá bìa.

Trong thế giới sách cũ, còn có những cuốn sách giá trị như “vàng” luôn được giới sưu tầm sách “săn lùng”. Ông Nguyễn Nhân Văn giải thích: “Một cuốn sách cũ được cho là quý hiếm khi đó là của những tác giả nổi tiếng, những đầu sách phát hành lần đầu, thậm chí còn là “độc bản”… Đó thường là những công trình nghiên cứu, khảo cứu của các học giả xưa vẫn còn nguyên giá trị, có thể làm quy chuẩn so sánh cho người học, người nghiên cứu hiện nay. Vì thế, có cuốn sách cũ giá trị vài trăm ngàn đồng, thậm chí lên đến hàng triệu đồng”.

Nhiều người tìm đến  mua sách cũ  ở tiệm sách của ông  Lầu Văn Dũng.
Nhiều người tìm đến mua sách cũ ở tiệm sách của ông Lầu Văn Dũng.

Ông Văn liệt kê những cuốn sách cũ trước năm 1975 được cho là quý như: Cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim; bộ 4 cuốn “Quân sử” của Phạm Văn Sơn; bộ 2 cuốn “Bảng lược đồ Văn học Việt Nam” của Thanh Lãng; cuốn “Ý thức mới trong văn nghệ triết học” của Phạm Công Thiện; bộ 6 cuốn “Đông chu liệt quốc” của Nguyễn Đỗ Mục... Qua nhiều năm tìm kiếm, ông Văn cũng đang sở hữu đến 1.000 đầu sách hiếm. Nhà sách Nhân Văn vì thế cũng là điểm đến quen thuộc của những nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo...

Thế mới thấy, sách cũ vẫn còn giá trị lắm đối với nhiều người. Bởi sách cũ nhưng tri thức thì không bao giờ cũ. Còn với những người bán sách cũ, mặc cho những khó khăn, họ vẫn luôn gắn bó với nghề bằng niềm đam mê, để nguồn tri thức cũng như giá trị văn hóa sau những trang sách cũ ấy sẽ không bị lãng quên giữa nhịp sống hiện đại hôm nay.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.