Nhọc nhằn con chữ ở Đắk Sar
Điểm trường Đắk Sar thuộc Trường Tiểu học Y Ngông Niê Kđăm (ở buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) cách trường chính khoảng 5 km. Điểm trường nằm ở vùng sâu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, con đường đến trường của học sinh cũng lắm nhọc nhằn.
5 giờ sáng, sương mù vẫn bao phủ nhưng những căn nhà thấp lè tè, lụp xụp dưới chân núi của người dân buôn Đắk Sar đã bắt đầu lên đèn, râm ran tiếng nói. Cũng như thường ngày, hôm nay các em học sinh phải dậy sớm chuẩn bị đến trường.
Đã 4 năm nay, em Phạm Thị Kim Ngân (học sinh lớp 4 thuộc điểm trường Đắk Sar) đã quen với cảnh thức giấc vào 5 giờ sáng. Rời khỏi tấm chăn ấm, Ngân vội vàng làm vệ sinh cá nhân, ăn vội bát cơm nguội, rồi chuẩn bị sách vở để đến trường. Mẹ của Ngân cũng vội vã chuẩn bị cơm và thức ăn cho con mang theo ăn trưa. Khoảng 30 phút sau, Ngân đã ra khỏi nhà để đến lớp, hòa vào đoàn những đứa trẻ đang bước thoăn thoắt, gọi nhau í ới giữa không gian yên tĩnh của núi rừng. Bóng dáng của những cô cậu học trò nhỏ với những bộ trang phục truyền thống đầy màu sắc thấp thoáng ẩn hiện trong sương sớm trên những con đường ngoằn ngoèo, băng qua những khe suối đèo dốc. Những bàn chân bé xíu ngập ngụa trong bùn đất. Thỉnh thoảng lại có tiếng kêu đau, kèm vẻ mặt nhăn nhó của một vài em khi bàn chân trần dẫm phải vật cứng ...
Để đến lớp, các em học sinh ở điểm trường Đắk Sar phải đi bộ trên con đường lầy lội. |
Gặp đoàn học sinh đến trường, tôi hỏi nhà ở đâu, em Thào A Hải (học sinh lớp 4) đưa tay chỉ hướng dãy núi phía xa trả lời “Nhà em ở dưới quả đồi cao nhất đó!”. Nhìn theo hướng chỉ tay của Hải, tôi thấy quả đồi cao nhất xa tít tắp, để đến đó còn phải qua 3 - 4 quả đồi nữa. Nghe câu trả lời ngắt quãng của em tôi cũng cảm nhận được cái mệt khi băng qua quãng đường dài để đến trường, vậy mà em không nản chí, suốt bốn năm nay vẫn đi học chuyên cần. Khi tôi hỏi đường đi xa và khó đã khi nào em muốn nghỉ học chưa, Hải trả lời dứt khoát: “Em thích được đến trường”. Đi cùng với Hải và Ngân còn có những học sinh học lớp dưới. Các em người nhỏ thó, những đôi chân ngắn cũn vẫn miệt mài bước đi, tiếng cười tiếng nói vẫn râm ran không ngớt.
Điểm trường Đắk Sar được xây dựng từ năm 2011 với 10 phòng học, hiện có 7 lớp với gần 150 học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số phía Bắc theo học. Nhà của các em cách trường từ 4 -10 km, đường đến trường vào mùa mưa bị chia cắt, lầy lội. |
Ở điểm trường Đắk Sar, các thầy cô giáo cũng hết sức vất vả. Đã bốn năm gắn bó với nơi này, thầy Trương Văn Tuyển, chủ nhiệm lớp 4 ngày ngày vẫn phải dậy sớm, vượt quãng đường dài hơn 50 km để lên lớp. Những ngày mới vào đây, đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn khiến thầy không ít lần nhụt chí. Nhưng gần gũi với học sinh, cảm nhận được các em dù khó khăn vẫn bám trường, bám lớp nên thầy trở nên gắn bó, yêu nơi này hơn. “Học sinh ở đây đa phần điều kiện kinh tế khó khăn, sách vở thiếu nhiều nên nhà trường thường xuyên quyên góp sách bút, quần áo, giày dép giúp các em vơi bớt những khó khăn, động viên các em siêng năng đến lớp”, thầy Tuyển tâm sự.
Bữa ăn trưa của các em học sinh điểm trường Đắk Sar. |
Học tại trường cả ngày, mà nhà xa nên học sinh tự mang theo cơm để ăn và nghỉ trưa tại trường. Nhìn những phần ăn thấy chủ yếu là cơm rau, rất hiếm hoi thịt cá. Có em ăn cơm với vài thìa đường bé xíu, có em chỉ ăn gói mì tôm sống. Có em bố mẹ đi làm rẫy xa nhiều ngày mới về, có khi cũng chẳng có đồ ăn gì để mang đến lớp. Thương học trò, thầy cô giáo thường xuyên san sẻ phần cơm của mình, hay bớt đồng lương ít ỏi cho các em mua bánh mì, mì tôm lót dạ. “ Các thầy cô ai cũng nhà xa nên phải mang theo cơm trưa, ai cũng cố mang theo nhiều cơm để có thể san sẻ cho các em lúc lỡ bữa. Ở đây là vùng khó khăn, giúp được gì cho để động viên các em đến lớp giáo viên bọn mình cố gắng làm”, cô Lâm Thị Thùy My, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B2 bộc bạch.
Theo thầy Hoàng Ngọc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông Niê K’đăm, giáo viên dạy ở đây nhà cách xa trường từ 20 - 50 km, đường đi lại khó khăn. Trong số 7 giáo viên thì mới chỉ có 4 giáo viên được biên chế, còn lại là hợp đồng. Những giáo viên hợp đồng thu nhập hằng tháng chỉ xấp xỉ khoảng 3 triệu đồng nên cuộc sống cũng rất khó khăn. Mặc dù vậy, các thầy cô giáo đều nỗ lực bám trường, bám lớp, động viên học sinh đến trường. Nhờ đó, dù điểm trường nằm ở vùng sâu nhưng tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng rất ít. “Mong muốn lớn nhất hiện nay là con đường từ buôn Đắk Sar đến điểm trường Đắk Sar được các cấp quan tâm làm mới để các em đi lại thuận tiện hơn”, thầy Phương chia sẻ.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc