Multimedia Đọc Báo in

"Thư viện xanh" của học sinh dân tộc thiểu số

09:24, 23/10/2018

Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng nằm ở vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, với đặc thù trên 97% học sinh là con em đồng bào Êđê. Nhiều năm qua, nhà trường đã tăng cường thực hiện các nội dung của Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025”, đạt nhiều kết quả tích cực.

Để các em học sinh dân tộc thiểu số thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong sử dụng tiếng Việt, nhà trường rất quan tâm đến công tác thư viện. Tuy nhiên, phòng đọc sách của trường chỉ có vỏn vẹn 1 dãy bàn, lại kiêm thêm chức năng lưu trữ nên không gian đọc sách cho các em học sinh rất hạn chế.

Anh Lê Minh Thức, Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP. Buôn Ma Thuột thăm giờ đọc sách của học sinh  Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng.
Anh Lê Minh Thức, Bí thư Đoàn cơ sở Công an TP. Buôn Ma Thuột thăm giờ đọc sách của học sinh Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng.

Nhằm giúp các em có không gian đảm bảo cho việc đọc sách báo, Ban giám hiệu nhà trường đã gửi thư ngỏ, kêu gọi ủng hộ xây dựng công trình “Thư viện xanh” đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố và được Công an TP. Buôn Ma Thuột tiếp nhận hỗ trợ.

Anh Lê Minh Thức, Bí thư Đoàn cơ sở Công an thành phố cho biết, qua khảo sát bước đầu, đơn vị đã xác định việc xây dựng “Thư viện xanh” cho Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng trở thành 1 trong 3 công trình chính trong chiến dịch “Hành quân xanh” năm 2018. Đoàn cơ sở đã xin ý kiến cấp ủy và triển khai vận động kinh phí đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố, mỗi người đóng góp 100 nghìn đồng. Từ nguồn kinh phí này, Đoàn cơ sở Công an thành phố đã xây dựng “Thư viện xanh” cho các em học sinh với diện tích 100 m2, có hệ thống khung sắt, mái tôn, nền lát gạch hoa theo thiết kế của nhà trường, với tổng kinh phí xây dựng 40 triệu đồng. Công trình được bàn giao vào đúng dịp khai giảng năm học mới như là một món quà động viên tinh thần học tập của các em học sinh tại đây. Ngoài phần hỗ trợ từ Công an thành phố, Ban giám hiệu nhà trường cũng trích hơn 10 triệu đồng để trang trí “Thư viện xanh” với phông nền, hoa lá nhựa, chậu cây cảnh, ống nhựa đựng sách báo nhiều màu sắc và vận động một số phụ huynh ủng hộ thêm ghế đá để các em có không gian đọc sách gần gũi, thân thiện hơn.

Cô Trịnh Thị Dung, Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cùng học sinh lớp 1 đọc sách.
Cô Trịnh Thị Dung, Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cùng học sinh lớp 1 đọc sách.
 
"Thư viện Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng hiện có 2.675 đầu sách thiếu nhi, chủ yếu từ nguồn sách Nhà nước tài trợ cho thiếu nhi các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa và Chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP) những năm trước đây. Nhà trường đang tiếp tục gửi thư ngỏ đến các trường thuộc khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, vận động thêm sách, báo, tủ sách để tăng chất lượng phục vụ học sinh của “Thư viện xanh”.
 
Cô Trịnh Thị Dung, Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng

Cô Trịnh Thị Dung, Quyền Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng cho hay, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã bố trí nhiều đầu sách, báo phù hợp với độ tuổi học sinh tiểu học như: truyện tranh, sách văn học - nghệ thuật, sách kỹ năng, báo Măng non... để các em được tự do lựa chọn theo sở thích trong "không gian mở" của “Thư viện xanh”. Nhà trường cũng phân công nhân viên thủ thư hướng dẫn các em lựa chọn sách, nhắc nhở các em giữ gìn sách báo sạch đẹp, sắp xếp ngay ngắn sau khi đọc xong. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường còn phổ biến đến các giáo viên triển khai việc lồng ghép các nội dung từ sách báo vào tiết học bằng cách định hướng, gợi mở các đầu sách có liên quan đến bài học để học sinh tìm đọc và khéo léo đặt các câu hỏi mở rộng kiến thức. Hằng tháng, nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề với các phần thi viết, thi kể chuyện để các em phát huy vốn từ tiếng Việt, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình trong việc học tập, rèn luyện và xây dựng tình cảm bạn bè, thầy trò.

Từ nỗ lực của nhà trường cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, “Thư viện xanh” của Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao khả năng tiếp thu tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số, khuyến khích tinh thần chủ động, tự học, tự sáng tạo và hình thành văn hóa đọc ngay trong nhà trường. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để nhà trường tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.