Cần trang bị kỹ năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực của học sinh
Trong những năm gần đây, việc không kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực của học sinh, nhất là học sinh bậc THPT đã dẫn đến những xung đột học đường mà hậu quả là để lại những hệ lụy về tâm lý, sự an toàn trường học. Vì vậy, các trường học cần giúp học sinh hình thành kỹ năng tự kiểm soát cảm xúc tiêu cực của bản thân.
Cảm xúc tiêu cực xuất hiện khá phổ biến ở tâm lý lứa tuổi học sinh đang trong giai đoạn phát triển về tâm, sinh lý, đặc biệt là học sinh THPT. Cảm xúc tiêu cực là những biểu hiện tâm lý của học sinh khi gặp phải những vấn đề trong cuộc sống, xã hội, trường học, quan hệ bạn bè tác động làm cho cảm xúc bị biến đổi theo hướng tiêu cực. Những cảm xúc này thường phức tạp, khó nắm bắt nếu bản thân học sinh không biểu hiện ra nét mặt, hành động. Nếu không kiểm soát và giải tỏa được, cảm xúc tiêu cực dễ dẫn đến những hành vi xấu như nói tục, chửi thề, cãi cọ, cáu giận, bất mãn, bạo lực học đường... Các em buồn chán, lo lắng, thất vọng, lơ là trong học tập, ngại giao tiếp với bạn bè, đôi khi tỏ ra bất cần, không nghe lời thầy cô và bè bạn, dễ bị lôi kéo vào những việc làm xấu.
Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ) tổ chức chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh minh họa |
Theo đó, trong giáo dục kỹ năng sống, việc trang bị những biện pháp cụ thể nhằm giúp đỡ, tư vấn để học sinh có kỹ năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực là cần thiết. Trước hết, giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm, bám lớp để kịp thời phát hiện những biểu hiện khác thường ở học sinh; gần gũi trò chuyện, tâm sự để thấu hiểu, vỗ về, giúp các em giải tỏa được những suy nghĩ, cảm xúc đang chất chứa; thành lập nhóm bạn trong lớp cùng tâm sự, chia sẻ, động viên nhau để các em cảm thấy được an ủi, có thêm động lực trong học tập.
Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn Thanh niên trong các trường cần tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như tổ chức trò chơi, cuộc thi, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các câu lạc bộ để tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh hòa vào niềm vui của tập thể, được giao lưu, chia sẻ và quên đi nỗi buồn của riêng mình, cố gắng nhiều hơn trong học tập. Hằng tuần, vào giờ chào cờ hay sinh hoạt lớp, các trường cần tổ chức các buổi ngoại khóa về các chủ đề như kỹ năng sống, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành viên, thông điệp cuộc sống… giúp các em giải tỏa thắc mắc, vượt lên những xung đột tâm lý trong cuộc sống. Các trường nên thành lập ban tư vấn, trợ giúp tâm lý học đường để kịp thời tư vấn, chia sẻ, uốn nắn các biểu hiện của cảm xúc tiêu cực của học sinh, giúp các em nhanh chóng vượt qua để hòa đồng cùng bạn bè. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh có cơ hội được trải nghiệm bản thân ở những môi trường khác nhau.
Lượng Nguyễn
Ý kiến bạn đọc