Chuyện người "gieo chữ" nơi rừng thẳm
Từ trung tâm xã, vượt quãng đường đất đồi núi khúc khuỷu, hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào đến buôn Lách Ló khi đã gần trưa. Theo lời giới thiệu của Buôn trưởng Y Krông Buôn Tráp, buôn Lách Ló có 2 điểm trường lẻ của Trường Tiểu học Nơ Trang Long và Trường Mầm non Hoa Hướng Dương, mỗi điểm trường có hai giáo viên.
Ông Y Krông Buôn Tráp dẫn chúng tôi đến điểm Trường Tiểu học Nơ Trang Long, nơi có 2 lớp học dựng tạm bằng gỗ nằm chênh vênh trên nền đất cao. Chứng kiến cảnh nơi rừng thẳm hoang vu, các em học sinh mặt đen nhẻm với những bộ đồ cũ sờn quây quần bên người thầy trẻ làm những phép toán, chúng tôi không khỏi xúc động. Thầy giáo trẻ Y Dương Buốc (28 tuổi) thấy có người lạ liền nở nụ cười hỏi thăm: “Các bạn đi đường mệt không? Nơi này xa xôi, hiếm lắm mới có khách đến thăm”.
Thầy Y Dương Buốc dạy phép toán cho các em học sinh buôn Lách Ló. |
Theo quan sát, điểm trường chỉ là lớp học bằng gỗ ghép dựng đã lâu nên mối mọt, nền đất bụi bặm. Gió lùa tứ phía khiến việc dạy và học của thầy và trò nơi đây thêm phần gian nan.
Vào nghề đã 3 năm, được nhận vào làm giáo viên hợp đồng, thầy Y Dương được phân công vào điểm trường ở buôn Lách Ló này. Anh chân thành chia sẻ: “Điểm trường còn một giáo viên nam, nhà cách đây gần 50 km. Còn mình là người trong buôn, lớn lên ở đây từ nhỏ nên những khó khăn, thiếu thốn nơi rừng thẳm này mình đã quen rồi”. Y Dương kể, điểm trường này có 35 em học sinh các lớp 1, 2 và 3 nhưng chỉ có 2 phòng học. Anh là giáo viên dạy lớp 1. Mấy ngày nay đồng nghiệp dạy lớp ghép 2 và 3 đi tập huấn chuyên môn trên thành phố nên một mình anh phải kiêm nhiệm 3 lớp. “Khi người nào đi vắng thì người kia lại dạy giùm, soạn giáo án nhiều nhưng cũng không vất vả bằng đứng lớp quản lũ nhỏ”, Y Dương tâm sự.
Cô Bùi Thị Xuân Hòa
|
Theo lời thầy Y Dương, học sinh ở đây đều là người Êđê và M’nông, nói được tiếng Kinh không nhiều, ngại giao tiếp và tiếp thu chậm. Bố mẹ chúng hầu hết đều ít chữ nên giao hết cho thầy cô. Do đó, các thầy phải thường xuyên trò chuyện, tâm sự cùng các em, tổ chức các trò chơi để tạo sự hứng thú khi đến lớp... Buổi trưa hay tối, cứ rảnh các thầy lại kèm thêm cho các em học yếu.
Chúng tôi tìm gặp cô giáo trẻ Bùi Thị Xuân Hòa (24 tuổi), giáo viên dạy ở điểm trường lẻ Mầm non Hoa Hướng Dương cách đó không xa. Cô Hòa mới được phân công về điểm trường này hơn 1 năm. Nhà cô ở xã Đak Liêng, cách đây 60 cây số nên cuối tuần mới về thăm nhà một lần. Theo lời cô Hòa thì điểm trường này chỉ có hai giáo viên nữ. Mới đầu khi đến đây nhận công tác cũng hơi nản, vì núi rừng hoang vắng gần như biệt lập với bên ngoài, đường sá đi lại khó khăn, lại không có sóng điện thoại. Mỗi khi đêm xuống lại sợ đủ thứ, gió rít mạnh thôi cũng sợ. Hòa nhớ lại ngày đầu nhận lớp: “Cô trò bất đồng ngôn ngữ, học sinh thì đông, nhiều em không biết vệ sinh cá nhân. Cứ thế lớp học nhốn nháo lên mà không biết phải làm gì. Được chị đồng nghiệp đứng lớp nhiều năm ở đây giúp đỡ, giờ mình đã biết cách giao tiếp với các em hơn”.
Điểm Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng ở buôn Lách Ló điều kiện vật chất còn nhiều thiếu thốn. |
Trong câu chuyện của mình, thầy Y Dương, cô Hòa còn kể về những buổi cơm đạm bạc quây quần bên nhau với con cá mặn, măng rừng, cháo trắng... để bám trường, bám lớp. Rồi khi màn đêm buông xuống là những câu chuyện nhỏ to về gia đình, về cuộc sống xa nhà... giúp họ xua bớt nỗi buồn nơi núi rừng hoang vu.
Trên con đường trở về với phố thị, dù khá mệt nhưng những câu chuyện của thầy cô nơi vùng sâu này khiến lòng tôi hân hoan hơn, vì những cống hiến của các thầy cô sẽ giúp cho các em người dân tộc thiểu số nơi đây có thêm con chữ trong hành trang cuộc đời.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc