Dạy chữ nơi vùng khó Cư Amung
Làm công việc “trồng người” trên địa bàn của xã vùng sâu Cư Amung (huyện Ea H’leo), các giáo viên của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh vẫn ngày ngày vượt qua khó khăn, miệt mài “gieo chữ”, nâng bước cho học sinh đến trường...
Nhọc nhằn “gieo chữ”...
Xã Cư Amung cách trung tâm huyện Ea H’leo hơn 30 km, địa bàn rộng hơn 4.700 ha với 11 dân tộc cùng sinh sống; mặt bằng dân trí chưa đồng đều, dân cư sống rải rác không tập trung, đời sống của người dân còn khó khăn. Bên cạnh đó, do nhận thức còn hạn chế, nhiều phụ huynh chưa quan tâm đầu tư cho học tập của con em...
Gắn bó với Trường Tiểu học Lê Đình Chinh từ những ngày đầu thành lập (cách đây 20 năm), thầy Bùi Mạnh Thống chia sẻ: “Ở đây bọn mình “ớn” nhất là con đường đến trường - mùa mưa thì lầy lội, còn mùa khô thì bụi. Có những lúc phải ra khỏi nhà từ lúc chưa tới 6 giờ bởi sợ đường trơn, sình lầy sẽ đến lớp không kịp giờ. Một khó khăn khác đó là việc duy trì sĩ số, đặc biệt là đối với điểm trường ở buôn Tơ Zoa có đông học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ đi học chuyên cần còn nhiều hạn chế do phần lớn các em chưa có ý thức tự giác học tập, phụ huynh lại ít quan tâm đến việc học của con em mình...”.
Giáo viên hướng dẫn học sinh trong giờ lên lớp tại điểm trường buôn Tơ Zoa (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo). |
Để duy trì sĩ số học sinh, các giáo viên được phân công về dạy tại điểm trường buôn Tơ Zoa hầu như ngày nào cũng phải đến sớm, gọi cửa từng nhà để nhắc các em đi học. “Có hôm mình đến nhà học sinh để gọi chúng đi học, phụ huynh khi ấy vẫn còn chưa dậy, chứ đừng nói là nhắc nhở con cái đi học; thậm chí có phụ huynh còn trả lời không biết con mình đi đâu - mặc dù em học sinh ấy có ở nhà, chỉ vì lý do không muốn con đi học...”, thầy giáo Thống kể.
Cùng chung sự vất vả, khó khăn khi vận động học sinh đến lớp, cô giáo Nguyễn Thị Kiều cho biết, để đảm bảo các em đi học đều, mỗi buổi đến lớp giáo viên lại phải đến nhà hai lần để gọi học sinh: một lần vào buổi sáng trước khi đi học và một lần là sau giờ ra chơi. Do lớp học ở ngay trong buôn nên nhiều em ra chơi đã về nhà ăn sáng hoặc làm việc nhà rồi nghỉ học buổi đó luôn. Có nhiều em đi học không mang theo đồ dùng học tập, giáo viên lại bỏ tiền túi ra mua và dự trữ sẵn để đưa cho các em.
...Và những nỗi niềm
Trong từng câu chuyện kể về kỷ niệm đứng lớp của các giáo viên nơi đây, đều thể hiện lòng yêu nghề, mến trẻ, đầy nhiệt tình, trách nhiệm với công việc của mình. Đó là những khó khăn, vất vả cũng như thời gian, công sức đã bỏ ra của từng giáo viên khi vận động các em đến lớp. Đó còn là sự chăm sóc, yêu thương các em học sinh của mình, khi thì rửa mặt, tìm quần áo để thay cho các em trước khi đi học, hoặc mua cho các em cái bút, quyển vở khi thiếu thốn; hay chỉ đơn giản là dừng xe lại để chở các em những lúc trời mưa trơn trượt, lầy lội...
Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo). |
“Các thầy cô giáo dạy học ở vùng khó khăn như xã Cư Amung phải vừa giảng dạy, vừa làm công tác dân vận, tuyên truyền, vừa làm “cầu nối” liên lạc giữa phụ huynh, học sinh với nhà trường, địa phương. Công việc vất vả và nhiều khó khăn, nếu không có sự nhiệt tình, tâm huyết và yêu thương học trò thì sẽ không bám trụ được với nghề...”
Thầy Phạm Đình Kiệm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh
|
Cô giáo Nguyễn Thị Kiều tâm sự: “Nhiều khi công việc của gia đình chưa lo xong, giáo viên đành tạm gác lại đấy để lo đến lớp sớm, thúc giục các em đi học. Một số cô giáo trẻ, có con nhỏ thậm chí không kịp cho con ăn sáng, phải nhờ hàng xóm hoặc người thân quen giúp chở đi gửi nhà trẻ, mẫu giáo vì con học lệch giờ, không đưa con đi được. Những lúc như thế nếu không có sự thấu hiểu, thông cảm của gia đình thì rất khó hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn...”.
Câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Kiều không phải là đặc biệt. Nếu không có lòng nhiệt tình, tâm huyết, yêu thương học trò cũng như sự thông cảm, chia sẻ của gia đình thì sẽ khó để trụ vững với nghề, trong khi tiền lương giáo viên còn khá khiêm tốn, đặc biệt là những giáo viên hợp đồng, không được nhận phụ cấp khu vực, thu nhập hằng tháng chỉ hơn 3 triệu đồng. Cô giáo Ngân Thị Xuyến, công tác tại Trường Tiểu học Lê Đình Chinh đến nay đã được 7 năm và vẫn đang là giáo viên hợp đồng với tiền lương hơn 4 triệu đồng/tháng chia sẻ: “Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các giáo viên trong trường hết lòng yêu thương, chăm lo cho các em chẳng khác gì con cái của mình. Mặc dù còn khó khăn trong cuộc sống, nhưng khi đứng trên bục giảng, chúng tôi lại gạt bỏ hết sang một bên để làm tròn trách nhiệm của một người giáo viên là giảng dạy và yêu thương học trò. Tôi mong rằng Nhà nước có thêm những chính sách hỗ trợ cho giáo viên vùng sâu để tạo động lực giúp chúng tôi tiếp bước trên hành trình "gieo chữ".
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc