Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc giáo dục vùng sâu

09:01, 29/11/2018

Cư Pui, Cư Đrăm và Yang Mao là ba xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông. Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song với sự quan tâm của cấp trên và sự nỗ lực của các địa phương, công tác giáo dục ở các xã này đã có nhiều khởi sắc.

Các xã này có tổng số 13 trường học các bậc Mầm non, Tiểu học và THCS với 6.750 học sinh, trong đó hơn 70% học sinh là người dân tộc thiểu số. Nếu như trước đây nỗi lo lớn nhất của các trường là học sinh bỏ học, phòng học tạm, thiếu giáo viên thì giờ đây những điều đó đã không còn nữa. Các trường đã tập trung nâng cao chất lượng, bồi dưỡng học sinh giỏi, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong đó, nhiều trường đã đạt thành tích cao trong các cuộc thi giáo viên giỏi và học sinh giỏi như: Tiểu học Cư Pui 1, THCS Cư Pui, THCS Yang Mao, THCS Cư Đrăm. Đặc biệt, ở Trường THCS Yang Mao có em H’Truyên H’long lần đầu tiên dự thi đã mang về giải Nhì trong cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp Quốc gia năm 2018.

Học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2 phấn khởi được học trong ngôi trường mới.
Học sinh Trường Tiểu học Cư Pui 2 phấn khởi được học trong ngôi trường mới.

Điểm sáng trong công tác xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia phải kể đến Trường THCS Cư Đrăm (xã Cư Đrăm). Với đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, trước đây Trường THCS Cư Đrăm có chất lượng giáo dục rất thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ, tỷ lệ học sinh bỏ học hằng năm trên 5%. Vậy mà nay trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (công nhận  năm 2017), luôn dẫn đầu về thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi các cấp. Thầy Ngô Hữu Ba, Phó Hiệu trưởng nhà trường tự hào: “Hằng năm trường đều có học sinh tham gia dự thi học sinh giỏi các cấp và đều đoạt giải cao”.

Dù chưa hết khó khăn song các trường THCS đã đưa môn Tin học vào dạy gần chục năm nay; nhiều trường Tiểu học đã triển khai dạy môn ngoại ngữ. Như Trường Tiểu học Ea Bar (xã Cư Pui) có 305 học sinh người dân tộc Mông và các em đã được học tiếng Anh ngay khi vào lớp 1 bằng kinh phí xã hội hóa. Thầy Trần Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Dù điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn nhưng khi đề xuất đưa môn tiếng Anh vào dạy cho học sinh thì người dân rất đồng thuận và sẵn sàng đóng góp kinh phí để triển khai chương trình”.

Giờ học Tin học của học sinh Trường THCS Cư Đrăm.
Giờ học Tin học của học sinh Trường THCS Cư Đrăm.

Là các địa phương vùng 3 nhưng hiện nay, ở cả ba xã đều không còn phòng học tạm. Nhiều trường đã có trường học cao tầng, kiên cố. Nỗ lực xây dựng cơ sở vật chất trường học phải nói đến xã Cư Pui. Những năm gần đây, xã Cư Pui đã tranh thủ mọi nguồn lực hàng chục tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học. Cư Pui còn triển khai hiệu quả công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công từ người dân để xây dựng trường học. Nhờ vậy, từ một địa phương có nhiều phòng học tạm bợ, thiếu thốn trang thiết bị, đến nay, cả 5 trường với hơn 100 phòng học trên địa bàn xã đã được xây dựng kiên cố. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui cho biết: “Người dân luôn sẵn sàng đóng góp tiền bạc, công sức để xây dựng cơ sở vật chất trường học. Đến nay, phụ huynh của trường đã đóng góp gần 200 triệu đồng và hơn 200 ngày công xây dựng sân trường, khu vui chơi, nhà bếp bán trú, vườn hoa, cây cảnh…; góp phần tạo cho cảnh quan nhà trường luôn sạch đẹp, rợp bóng mát”.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng học tập, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh ở các trường học nơi đây cũng rất đáng kể. Trường Tiểu học Yang Mao (xã Yang Mao), Trường Tiểu học Cư Đrăm (xã Cư Đrăm), Trường THCS Cư Pui, Trường Tiểu học Cư Pui 2 (xã Cư Pui)… là những đơn vị luôn đoạt giải cao trong các hội thi văn nghệ, thể thao của ngành Giáo dục huyện.

Phát huy những kết quả đã đạt được, hiện nay các trường ở các xã vùng 3 huyện Krông Bông đang tích cực chuẩn bị về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để sẵn sàng thực hiện thành công việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.