Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương để học sinh noi theo
Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” luôn được đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh thực hiện có hiệu quả. Bằng nhiệt huyết và lòng đam mê, mỗi thầy, cô giáo đang ngày đêm miệt mài đóng góp sức mình cho sự nghiệp "trồng người".
Ông Đoàn Đình Duẩn, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh cho biết: Công đoàn Giáo dục tỉnh hiện có 62 công đoàn cơ sở trực thuộc với 4.918 đoàn viên. Các công đoàn cơ sở hoạt động có nề nếp, phát huy được dân chủ trong nội bộ từng đơn vị. Bên cạnh việc tập trung thực hiện tốt chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, các công đoàn cơ sở đã đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để thực sự trở thành phong trào sâu rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh và Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa trao Bằng khen tặng thầy giáo Trần Văn Phương vì thành tích xuất sắc trong đào tạo học sinh giỏi. |
Ngay từ đầu mỗi năm học, tất cả các trường học đều xây dựng kế hoạch thực hiện, thành lập ban chỉ đạo, xây dựng tiêu chí đánh giá đối với tập thể, cá nhân theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, các trường còn gắn việc thực hiện Cuộc vận động với phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo các chuyên đề của từng năm... Đặc biệt, ngay sau khi Sở GD-ĐT ban hành Hướng dẫn số 1332/SGDĐT-HD về việc thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” năm học 2017-2018 đến năm học 2019-2020 đến các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở đăng ký thi đua của cá nhân và đơn vị, công đoàn các đơn vị đã phối hợp với thủ trưởng đơn vị triển khai đăng ký và xây dựng chương trình thực hiện một cách hiệu quả.
Nhờ vậy, Cuộc vận động này đã góp phần nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các cấp học tăng cao. Cụ thể, bậc học mầm non có 99,2% giáo viên đạt chuẩn; bậc tiểu học có 99,8%; bậc THCS và THPT 100% giáo viên đạt chuẩn; tổng số giáo viên trên chuẩn đạt 61,1%. Ngoài ra, phong trào phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi, trường học tiên tiến được các nhà trường và thầy cô giáo nhiệt tình hưởng ứng, nhiều giáo viên vượt khó, đạt kết quả tốt trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý, phương pháp giảng dạy, sử dụng, cải tiến thiết bị dạy học, xây dựng giáo án điện tử, viết sáng kiến kinh nghiệm, có đóng góp quan trọng nâng chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Trong năm học 2017-2018, toàn tỉnh đã chấm và xét được 577 đề tài sáng kiến kinh nghiệm (SKKN), trong đó có 49 SKKN loại A, 183 SKKN loại B, 345 SKKN loại C; công nhận 441 giáo viên THPT và GDTX dạy giỏi cấp tỉnh, trong đó có 45 giáo viên xuất sắc đạt giải... Tuy nhiên, thành tích ấn tượng trong năm học vừa qua của ngành GD-ĐT tỉnh chính là kết quả kỳ thi học sinh giỏi THPT cấp quốc gia với 31 giải (1 giải Nhất, 10 giải Nhì, 8 giải Ba, 12 giải Khuyến khích), đứng đầu trong 10 tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Vui mừng hơn nữa khi trong 15 năm qua ngành Giáo dục tỉnh mới có lại học sinh đoạt giải Nhất quốc gia. Thành tích vượt trội này có sự góp sức không nhỏ của thầy và trò lớp 12 chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, đặc biệt là thầy giáo Trần Văn Phương, giáo viên trực tiếp ôn thi môn Hóa học.
Thầy và trò Trường THCS, THPT Đông Du bên mô hình kính thiên văn tự tạo. |
Thầy giáo Trần Văn Phương tâm sự: “Kết quả thi học sinh giỏi quốc gia năm học vừa qua khiến tôi rất vui và tự hào về các em. 8 em học sinh được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia thì cả 8 em đều đoạt giải. Trong đó, em Nguyễn Khang Điệp đã vinh dự đoạt giải Nhất; 5 giải Nhì thuộc về các em: Phạm Thị Minh Quý, Vũ Sơn Trung, Trần Thị Bích Liên, Võ Thị Tuyết Diệu, Nguyễn Văn Đạt; giải Ba thuộc về em Trần Thị Thu Thảo và giải Khuyến khích là em Lê Hoàng Ngọc Phượng”. Chia sẻ về quá trình ôn luyện cho các em, thầy Phương khiêm tốn nói: "Các em học sinh rất chăm ngoan, có tinh thần tự giác học tập rất cao. Bản thân tôi phải cố gắng tìm kiếm để giúp các em làm quen với các dạng đề, phát triển tư duy qua từng bài tập, khơi gợi hứng thú học tập".
Có thể khẳng định, Cuộc vận động đã góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội về đào tạo nguồn nhân lực, về đạo đức của người thầy; tạo sự chuyển biến lớn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh và chất lượng giáo dục. Đã có nhiều tấm gương nhà giáo về sự tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề, có lòng nhân ái, thương yêu giúp đỡ học sinh, giúp đỡ đồng nghiệp, được các thế hệ học trò tin yêu, quý trọng, xã hội tôn vinh. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo là để học sinh noi theo.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 37.524 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đang phục vụ cho sự nghiệp “trồng người”. Bậc học mầm non có 99,2% giáo viên đạt chuẩn, bậc tiểu học có 99,8%, bậc THCS và THPT 100% giáo viên đạt chuẩn; tổng số giáo viên trên chuẩn đạt 61,1%. |
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc