Nâng cao trách nhiệm nhà giáo trong thời kỳ đổi mới
Tỉnh Đắk Lắk hiện có 37.524 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên đang phục vụ cho sự nghiệp “trồng người”. Đội ngũ nhà giáo của tỉnh mặc dù vẫn còn khó khăn trong cuộc sống nhưng với phẩm chất đạo đức tốt, đức tính cần cù, nhẫn nại, “tất cả vì đàn em thân yêu” đã nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, góp phần củng cố và phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) của tỉnh nhà.
Trong những năm qua, đặc biệt trong năm học 2017 - 2018, mặc dù điều kiện phát triển GD-ĐT còn nhiều bất cập, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, nhưng được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD-ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, ngành GD-ĐT tỉnh nhà đã có nhiều giải pháp, biện pháp tích cực để nâng cao chất lượng GD-ĐT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa trao học bổng tặng học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng. Ảnh: N.Hoa |
Có thể khẳng định, trong năm học qua, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện: Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh (vượt 0,45% chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia năm 2017, hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia năm 2018; hoàn thành các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục - xóa mù chữ,...), các nhiệm vụ năm học đã được các trường học tổ chức triển khai đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cùng với đó, ngành đã tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi nhằm thúc đẩy phong trào thi đua “hai tốt”. Các nhà giáo của ngành đã đạt nhiều thành tích nổi bật như: Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT, giáo dục thường xuyên; Hội thi tiết đọc thư viện và Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tiểu học, Hội thi cô giáo và trẻ mầm non hát dân ca… Nhiều giáo viên đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi THPT, trong hướng dẫn các dự án khoa học kỹ thuật tham gia Hội thi cấp tỉnh, cấp toàn quốc; 2 nhà giáo đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2018...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh cùng Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa và các đại biểu tham dự Tọa đàm kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt. Ảnh: N.Hoa |
Tuy nhiên, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Tỷ lệ phòng học kiên cố còn thấp; nhiều cơ sở giáo dục còn thiếu phòng học, nhất là ở cấp tiểu học gây khó khăn trong tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; còn nhiều trường mầm non có phòng học tạm, học nhờ. Chất lượng giáo dục vẫn còn chênh lệch giữa vùng thuận lợi với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phân luồng học sinh sau THCS, công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT chưa thực sự hiệu quả. Cơ cấu đội ngũ giáo viên vẫn còn nhiều điểm bất cập giữa các địa phương, giữa các đơn vị trường học. Tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở một số trường học, địa phương vẫn chưa có phương án giải quyết kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non để dạy học bán trú, thiếu giáo viên dạy tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa được giải quyết do thiếu chỉ tiêu biên chế. Mặt khác, trước yêu cầu ngày càng cao để đáp ứng đổi mới giáo dục, vẫn còn một bộ phận giáo viên chưa thực sự tích cực học hỏi để nâng cao năng lực, nghiệp vụ; vẫn còn một số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm các quy định của ngành, của địa phương. Những khó khăn đó, thách thức đó đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục, vượt qua.
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để các nhà giáo ôn lại truyền thống tốt đẹp, khẳng định và tự hào về những phẩm chất cao quý của người thầy giáo, của nghề dạy học; đồng thời cũng ý thức được trách nhiệm hết sức lớn lao đối với sự phát triển của ngành, đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực cho đất nước trong giai đoạn mới. Trách nhiệm đó cũng đòi hỏi mỗi nhà giáo không ngừng học tập bồi dưỡng rèn luyện cả về phẩm chất, nhân cách, đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ để người thầy thực sự trở thành “Tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đối với học sinh thân yêu.
Phạm Đăng Khoa
Giám đốc Sở GD-ĐT
Ý kiến bạn đọc