Multimedia Đọc Báo in

Hành trình của yêu thương (Kỳ 2)

09:30, 03/12/2018

[links(left)]

Kỳ 2: Dạy học bằng cả trái tim

Bằng trái tim yêu thương, niềm đam mê nghề, các thầy cô giáo ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh đã gắn bó với những mảnh đời thiếu may mắn, giúp các em vượt qua được những dị tật, mặc cảm để từng bước hòa nhập cộng đồng.

“Măng non là búp măng non/ Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre/ Năm qua đi, tháng qua đi/ Tre già măng mọc có gì lạ đâu…”, khi bài thơ “Tre Việt Nam” của tác giả Nguyễn Duy được em P.T.V.A., lớp 4, Trường Tiểu học Y Ngông, xã Cư Né (huyện Krông Búk) đọc xong, đôi mắt của cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Phòng Giáo dục hòa nhập – Công tác xã hội (GDHN – CTXH) của Trung tâm ngân ngấn nước mắt. V.A. là học sinh khiếm thính theo học ở Trung tâm từ năm 2013 và được hỗ trợ hòa nhập từ năm 2015.

Cô Tuyết Mai giao tiếp với học sinh của Trung tâm trong một buổi đi hỗ trợ hòa nhập.
Cô Tuyết Mai giao tiếp với học sinh của Trung tâm trong một buổi đi hỗ trợ hòa nhập.

Chị Nguyễn Thị Nhiên ở buôn K’drô 1, xã Cư Né (huyện Krông Búk) - mẹ của V.A. tâm sự: V.A. bị khiếm thính từ nhỏ. Khi đưa cháu vào Trung tâm, chị chỉ mong cháu học được ngôn ngữ của người khiếm thính. Được sự giúp đỡ của các thầy cô trong Trung tâm, đến nay V.A. đã về đi học ở lớp bình thường được 3 năm, quả là một hạnh phúc quá lớn lao với gia đình chị. “Từ ngày được thầy cô của Trung tâm hỗ trợ học hòa nhập, khả năng giao tiếp, cảm nhận của cháu tốt hơn nhiều. Nếu như trước đây, mỗi lần đi chơi cháu diễn cảm rất ít nhưng giờ trong giao tiếp cháu cũng đã chủ động hơn, tham gia nhiều hoạt động với bạn bè…”, chị Nhiên khoe.

Hơn 15 năm trong nghề, rong ruổi đến từng ngôi trường trên địa bàn tỉnh, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai đã quá quen với việc phải băng qua những con đường khúc khuỷu, khi thì ngã oành oạch, lúc thì bụi che mờ cả kính… nhưng chưa bao giờ cô Mai cùng các thầy, cô của Phòng GDHN – TCXH bỏ cuộc. Cô Mai tâm sự: “Khác với những giáo viên đứng lớp, giáo viên hòa nhập phải xuống tận các lớp, trường có học sinh khuyết tật để phối hợp với nhà trường, giáo viên và phụ huynh tìm những cách làm phù hợp hỗ trợ các em học hòa nhập…”.

Bé V.A học hòa nhập tại một trường học bình thường là niềm vui của gia đình.
Bé V.A học hòa nhập tại một trường học bình thường là niềm vui của gia đình.
 

“Nhiều em trưởng thành, học nghề có công việc ổn định, kết hôn rồi sinh con bình thường, khỏe mạnh đều nhắn tin thông báo cho các thầy cô trong Trung tâm… Với chúng tôi, đó chính là niềm hạnh phúc, là quả ngọt lớn nhất khi đã lựa chọn nghề của mình”.

 
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai chia sẻ

Hiện giáo viên của Phòng GDHN – CTXH đang hỗ trợ cho 76 em tại các huyện, thị xã, thành phố, trong khi đó Phòng chỉ có 6 giáo viên nên gần như tuần nào, các thầy cô cũng thường trực trên các tuyến xe, con đường để đến với các em. Bên cạnh những khó khăn như giáo viên ít, địa bàn rộng thì rào cản lớn nhất chính là định kiến của không ít phụ huynh và giáo viên đối với các em bị khuyết tật, một số đùn đẩy trách nhiệm do sợ khó khăn, ngại tìm biện pháp để khống chế hành vi của trẻ, sợ ảnh hưởng thành tích của lớp, của trường. Cô Mai cho biết: “Cũng vì thế mà chúng tôi luôn tìm cách phối hợp với các trường tìm ra phương pháp tốt nhất đưa trẻ khuyết tật vào lớp, giúp phụ huynh và giáo viên hiểu rõ hơn để các em có một môi trường hòa nhập tốt nhất…”.

Cô Phạm Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong những năm qua, tình trạng các em mắc hội chứng tự kỷ có dấu hiệu gia tăng, bên cạnh đó càng học lên, lượng học sinh khuyết tật học hòa nhập lại càng giảm. Theo thống kê của Trung tâm, nếu như ở cấp tiểu học có hơn 1.000 học sinh khuyết tật theo học thì lên Trung học cơ sở chỉ có gần 300 em và lên Trung học phổ thông chỉ còn gần 40 em tiếp tục theo học tại các trường… Đây chính là điều trăn trở không chỉ của cô Tuyết, mà còn là của nhiều giáo viên tại Trung tâm. Cô Tuyết cho rằng cùng với sự nỗ lực của Trung tâm, còn cần có sự phối hợp tích cực các cấp, ngành cũng như của các bậc phụ huynh, gia đình có trẻ khuyết tật để chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ phục hồi đúng phương pháp, hiệu quả từ đó tạo thuận lợi cho các cháu lên các lớp giáo dục hòa nhập, tìm kiếm việc làm trong tương lai...

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.