Multimedia Đọc Báo in

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019: Thêm nhiều thông tin bổ ích cho thí sinh

08:11, 28/02/2019

Gần 5.000 em học sinh đang học lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích từ Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 vừa được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.

Mới gần 7 giờ, nhưng hàng nghìn em học sinh lớp 12 từ nhiều trường THPT trong tỉnh đã tề tựu đông đủ tại Trường THPT Buôn Ma Thuột để tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn cùng sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup tổ chức. Đây là một trong 17 chương trình và ngày hội Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được Báo Tuổi Trẻ tổ chức trên phạm vi cả nước nhằm giúp học sinh tiếp cận thông tin, hiểu rõ các quy định về Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, những kiến thức cần thiết để chuẩn bị lựa chọn ngành nghề đăng ký vào đại học, cao đẳng; tư vấn, hướng dẫn cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu xã hội.

Các em học sinh trải nghiệm về ngành nghề tại gian tư vấn của Trường Đại học Quy Nhơn.
Các em học sinh trải nghiệm về ngành nghề tại gian tư vấn của Trường Đại học Quy Nhơn.

Sau những tiết mục văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn, thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên viên chính Vụ Giáo dục đại học đã thông tin đến các em học sinh về những điểm mới trong Kỳ thi THPT quốc gia cũng như xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng năm 2019. Theo đó năm 2019, Kỳ thi THPT quốc gia có một số điểm mới như: kiến thức chủ yếu tập trung vào lớp 12, không dàn trải; điều kiện xét tốt nghiệp theo phương án 70-30 (70% ở điểm thi, 30% là ở quá trình học tập), không sử dụng phương án 50-50 như Kỳ thi năm 2018; thí sinh tự do được bố trí dự thi một số điểm thi do sở GD-ĐT địa phương lựa chọn và cùng thi chung với học sinh phổ thông (các kỳ thi trước, thí sinh tự do được bố trí điểm thi riêng); giáo viên THPT cùng coi thi với giảng viên đại học nhưng không được huy động coi thi tại địa phương nơi trường mình đứng chân mà sẽ coi thi ở các tỉnh khác...

Sau phần tư vấn chung, các em học sinh tiếp tục được cung cấp thông tin tại khu vực tư vấn chuyên sâu với các cụm ngành: kinh tế, khoa học xã hội, kỹ thuật, luật, y dược, sư phạm, ngoại ngữ, nông lâm, giao thông, điện tử... Ngoài ra, để học sinh trải nghiệm ngành nghề, 30 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng được bố trí ngay tại sân trường THPT Buôn Ma Thuột để thí sinh tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn về ngành học của mình cũng như như tố chất cần có để theo học, cơ hội việc làm, học phí, học bổng du học…

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tư vấn chuyên sâu cho các thí sinh.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tư vấn chuyên sâu cho các thí sinh.

Em Đỗ Thị Hoài, học sinh Trường THPT Hồng Đức (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Năm nay em dự định thi vào Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, nguyện vọng 1 là Khoa Quan hệ quốc tế, còn nguyện vọng 2 sẽ là khoa Ngôn ngữ Anh. Em rất vui vì hôm nay được nghe các thầy cô giáo hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, những điểm chính cần lưu ý trong Kỳ thi THPT năm 2019, xét tuyển vào các trường cũng như mục đích, tiêu chí khi lựa chọn ngành học. Đây là những thông tin bổ ích, giúp em có thêm hiểu biết về tình hình việc làm và những ngành học để bắt kịp nhu cầu thị trường lao động khi ra trường”. Còn em Nguyễn Văn Hòa, học sinh Trường THPT Việt Đức (huyện Cư Kuin) tâm sự: “Em mong muốn thi vào ngành quân đội nên khi biết trong ban tư vấn có nhiều thầy giáo là sĩ quan của các trường quân sự em rất phấn khởi. Sau khi đặt câu hỏi trực tiếp với các thầy cô và được trả lời cặn kẽ, tỉ mỉ, em đã xác định rõ và chọn được trường mà mình dự thi”.

"Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp hằng năm do Báo Tuổi Trẻ và các đơn vị phối hợp tổ chức thực sự là “cầu nối” để trao đổi, tư vấn thông tin hiệu quả, thiết thực. Chương trình đã giúp các em  học sinh có định hướng, lựa chọn ngành nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích của mình. Đây là một trong những kênh thông tin chính xác nhất của Bộ GD-ĐT về Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước" - Ông Bùi Hữu Thành Cát, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT.

Bảo Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.