Multimedia Đọc Báo in

Những nữ sinh dân tộc thiểu số vượt khó, học giỏi

18:57, 23/02/2019

Dù có hoàn cảnh khó khăn song hai cô nữ sinh người dân tộc thiểu số ở M’Đrắk luôn nỗ lực vươn lên, chăm ngoan, học giỏi, được thầy cô tin yêu, bạn bè quý mến.

Cô học trò Hmông ham học

Ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San), cô học  trò người Hmông Giàng Thị Gầu (lớp 9B) được thầy cô và bạn bè nhắc đến là tấm gương sáng chăm ngoan, vượt khó học giỏi, cháu ngoan Bác Hồ.

Là con thứ bảy trong gia đình có 8 anh chị em, bố mẹ đều làm nông nghiệp, hoàn cảnh rất khó khăn nên Giàng Thị Gầu không có điều kiện được chăm lo ăn học. Nhà ở thôn 4, xã Cư San, cách trường hơn 10 km, Gầu thường phải đi bộ, nhờ xe bạn bè hoặc người quen để đến trường. Vất vả là vậy song Gầu rất chăm học, luôn cố gắng học thật giỏi để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo vùng sâu, vùng xa. Em luôn sắp xếp công việc nhà để dành thời gian cho việc học. Ở lớp, Gầu chịu khó nghe thầy cô giảng bài để nắm chắc kiến thức; tích cực phát biểu xây dựng bài, chỗ nào chưa hiểu, em đều mạnh dạn nhờ thầy cô chỉ bảo, phân tích, hướng dẫn. Với nỗ lực và chăm chỉ học tập, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi và được chọn bồi dưỡng tham gia thi học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường.

Em Giàng Thị Gầu (thứ hai từ trái sang) tham dự cuộc thi Viết và thuyết trình về tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 12-2018. Ảnh: T.Nguyệt
Em Giàng Thị Gầu (thứ hai từ trái sang) tham dự cuộc thi Viết và thuyết trình về tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tháng 12-2018. Ảnh: T.Nguyệt

Không chỉ học giỏi, Gầu còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của nhà trường, đặc biệt các phong trào Đoàn, Đội, các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao. Do nhà xa phải ở lại khu bán trú của trường, Gầu luôn chủ động xây dựng tinh thần đoàn kết, hòa đồng, giúp đỡ các bạn trong phòng để cùng nhau tiến bộ nên bạn bè ai cũng quý mến. Bạn cùng lớp của Gầu là Đặng Thị Huế bày tỏ: “Bạn Gầu rất chăm chỉ, học giỏi lại hòa đồng với bạn bè. Mỗi khi chúng em gặp bài khó chưa hiểu, bạn Gầu luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ để chúng em nắm bài tốt hơn, cùng nhau tiến bộ trong học tập”.

Mới đây, Giàng Thị Gầu đã đoạt giải Nhì tại cuộc thi viết và thuyết trình về tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Sở GD-ĐT tổ chức. Với giọng nói ấm áp và câu chuyện đầy xúc động, phần thuyết trình của Gầu đã thuyết phục được mọi người tại cuộc thi. Gầu tâm sự: “Qua cuộc thi, em khắc ghi sâu hơn những điều Bác Hồ dạy thiếu niên và nhi đồng để cố gắng học tập tốt, rèn đức, luyện tài, phát huy tinh thần đoàn kết, quý mến bạn bè, quý trọng thầy cô, hiếu thảo với cha mẹ, xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ và trở thành một công dân tương lai có ích cho xã hội”.

Nữ sinh Êđê học giỏi toàn diện

Gia đình nghèo, nhà cách trường hơn 4 km, bố mẹ làm nông vất vả không có điều kiện kèm cặp con cái học tập song cô học trò H’Chuyên Niê (lớp 3C, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Cư Mta) luôn nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, chăm chỉ học tập. Năm nào H’Chuyên cũng đạt học sinh giỏi toàn diện, được thầy cô tin yêu, bạn bè quý mến.

Nhà H’Chuyên ở cuối buôn Đăk, xã Cư Mta. Từ nhà em đến trường phải vượt qua nhiều đoạn đường nhỏ quanh co, mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi mịt mù. Ngôi nhà dài hiện nay gia đình em sinh sống được ông bà dựng từ những năm 1990 nên đã xuống cấp, mục nát. Hằng ngày bố mẹ của em phải lên nương rẫy chăm sóc lúa ngô, cà phê nên không có điều kiện chăm lo đến việc học của con cái. Ngay từ nhỏ, H’Chuyên đã phải phụ giúp bố mẹ cuốc đất trồng rau, chăn bò, nuôi gà, chăm em, nấu cơm, rửa bát... Mới 8 tuổi nhưng tất cả mọi việc tưởng chừng của người lớn, H’Chuyên đều có thể làm được rất tốt. Vất vả là vậy nhưng cô bé học trò Êđê nhỏ bé ấy rất ham học, luôn cố gắng sắp xếp thời gian để học. Ngay cả khi dắt bò đi chăn em cũng mang sách theo để học bài, đêm thường làm bài tập đến khuya và sáng dậy sớm xem lại bài trước khi đến trường. Ở lớp, em chăm chú nghe giảng, ghi chép đầy đủ, bài nào chưa hiểu thì mạnh dạn hỏi thầy cô và bạn bè.

H'Chuyên (giữa) cùng các bạn xem lại bài trước khi vào lớp.
H'Chuyên (giữa) cùng các bạn xem lại bài trước khi vào lớp.

Nhìn cô bạn nhỏ nhắn, ngày nắng cũng như ngày mưa, lưng đeo cặp đạp xe đều đặn trên con đường đất đỏ đến lớp ai cũng khâm phục. Nhiều bạn cùng lớp điều kiện gia đình tốt hơn nhưng trước đây chưa tự giác học tập, sau khi chứng kiến những nỗ lực của H’Chuyên cũng đã làm theo, nỗ lực học tập tốt hơn. H’Chuyên còn luôn nhiệt tình hướng dẫn giúp các bạn học yếu hơn cùng tiến bộ.

Cô Nguyễn Thị Kiều, giáo viên chủ nhiệm lớp 3C trìu mến nhận xét: “Dù hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường, nhưng H’Chuyên rất cần cù, chịu khó học hỏi. Những năm qua kết quả học tập của em luôn đứng đầu của lớp, của khối, điểm tổng kết cuối năm luôn đạt học sinh giỏi toàn diện. Em còn tham gia đầy đủ, sôi nổi mọi hoạt động của lớp, của trường, xứng đáng là tấm gương sáng để các học sinh học tập, noi theo”.

Nói về ước mơ của mình, cô học trò Êđê H’Chuyên Niê tràn đầy quyết tâm: “Bố mẹ em trước đây nhà nghèo khó, đông anh em không có điều kiện đi học nên cuộc sống khó khăn đói nghèo cứ đeo bám, mặc dù quanh năm lao động vất vả. Em sẽ cố gắng học thật giỏi, mong ước sau này làm cô giáo để dạy các em nhỏ trong buôn biết chữ, hướng dẫn cho bà con cách chăn nuôi, trồng trọt đúng khoa học, phát triển kinh tế”.

Thu Nguyệt – Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.