Multimedia Đọc Báo in

Để phương pháp thảo luận nhóm đạt hiệu quả

14:17, 03/03/2019

Thảo luận nhóm là một trong những phương pháp dạy học tích cực được yêu thích và sử dụng thường xuyên trong dạy học tại các trường hiện nay.

Tuy nhiên, để vận dụng phương pháp này đạt hiệu quả, đòi hỏi giáo viên phải nắm vững phương pháp, có kỹ năng trong tổ chức, điều khiển hoạt động này.

Lựa chọn chủ đề, nội dung thảo luận

Đây là một trong những bước triển khai thảo luận nhóm hết sức quan trọng. Trong một tiết học, đơn vị bài học, giáo viên có nhiệm vụ chuyển tải nhiều nội dung khác nhau của bài học nên nếu thời gian dành cho việc thảo luận nhiều dễ bị “cháy” giáo án, nếu thời gian quá ngắn sẽ không đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Giáo viên cần chọn lọc chủ đề thảo luận để giúp cho giờ thảo luận hấp dẫn, huy động được nhiều ý kiến khác nhau, kích thích tính tích cực, chủ động làm việc của học sinh. Việc lựa chọn nội dung câu hỏi thảo luận cần có tính trọng tâm, không nên đưa ra những câu hỏi "đóng" hoặc quá khó mà nên là câu hỏi "mở" để kích thích sự tư duy và tính sáng tạo của học sinh. Giáo viên cũng cần giới hạn thời gian tương ứng với câu hỏi thảo luận.

Chia nhóm, bố trí chỗ ngồi

Việc chia lớp học thành các nhóm thảo luận là nhằm tăng cường khả năng làm việc tập thể của các thành viên trong nhóm. Giáo viên có thể chia nhóm trên cơ sở các tổ có sẵn hoặc theo dãy bàn trong lớp học sao cho thuận tiện nhất, hoặc có thể chia nhóm theo danh sách, năng lực, sở thích… Giáo viên cần định hướng việc phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân trong mỗi nhóm bởi nếu sự phân công không rõ ràng, cụ thể dễ dẫn đến hiện tượng một hoặc vài cá nhân hoạt động còn các cá nhân khác lại không hoạt động hoặc ỷ lại. Nên bố trí để các thành viên trong nhóm ngồi quay mặt vào nhau, vị trí ngồi đủ gần để có thể trao đổi, chia sẻ với nhau thuận lợi.

Ảnh minh họa
(Ảnh minh họa)

Trình bày kết quả

Kết thúc thời gian thảo luận, mỗi nhóm nên cử một đại diện (thường là trưởng nhóm hoặc thư ký) để trình bày kết quả thảo luận. Tùy vào vấn đề thảo luận, giáo viên có thể cho các nhóm tham gia phản biện, tranh luận hay góp ý, bổ sung lẫn nhau… nhằm “mổ xẻ” vấn đề cụ thể và sinh động nhất. Tùy vào điều kiện, cơ sở vật chất của lớp học mà lựa chọn các hình thức trình bày như: Thuyết trình bằng miệng, viết trên bảng, trình bày trên khổ giấy lớn, trình bày qua máy chiếu,…

Tổng kết, đánh giá

Đây là khâu cuối cùng nhưng cũng rất quan trọng của hoạt động thảo luận nhóm. Giáo viên lúc này đóng vai trò như “trọng tài”, “ban giám khảo” để tổng hợp và đánh giá các ý kiến thảo luận của mỗi nhóm. Giáo viên phải công tâm và linh hoạt khi đánh giá nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Bên cạnh việc tổng kết lại các vấn đề, giáo viên cần có các hình thức để đánh giá hoạt động thảo luận như: biểu dương tinh thần, trao quà động viên, cộng điểm, cho điểm… cho mỗi nhóm.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.