Đừng để lo cho con hóa thành hại con!
08:35, 21/04/2019
Nhiều cha mẹ dù biết rõ con mình học không giỏi nhưng vẫn cố cho con vào trường chuyên, lớp chọn vì xung quanh mình nhiều người cũng làm vậy, vì số đông cho rằng trường chuyên lớp chọn sẽ mang lại môi trường tốt nhất cho con mình.
Rất nhiều cha mẹ hiện nay đang mệt mỏi vì phải đưa đón con đi học thêm và nhận thức rõ ràng rằng điểm số không quan trọng mà chính ý thức học, niềm vui học tập mới thực sự là mục tiêu của giáo dục. Nhưng mỗi lần đi họp phụ huynh, biết thứ hạng thấp của con mình trong lớp học vẫn khiến cha mẹ suy nghĩ liệu có nên cho con mình đi học thêm để cải thiện điểm số hay không? Bởi vì đây không chỉ đơn giản là quyết định của cha mẹ mà còn liên quan cuộc sống của con.
Đáng lẽ, định hướng phổ biến phải là việc tích lũy cho con tri thức và rèn luyện cho con thành một đứa trẻ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần thì hiện nay lại là sự dồn dập nhồi nhét kiến thức cho con, chạy đua hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác vì lo con không được bằng chúng bạn.
Thật vô lý khi con mình học không giỏi các môn khoa học tự nhiên mà cha mẹ vẫn mong con sẽ thành công với các nghề bác sĩ, kỹ sư, kiểm toán… Và cũng rất vô lý khi con hoàn toàn không có năng khiếu với các môn khoa học xã hội nhưng cha mẹ vẫn kỳ vọng con mình sẽ sống tốt bằng nghề luật sư, hay nhà văn, nhà báo…
Tự tin với hành trang kiến thức vào đời. (Ảnh minh họa) |
Nhưng những sự vô lý ấy sẽ dễ trở thành có lý vì thực tế mang lại cho họ niềm hy vọng về cuộc sống như mong muốn dành cho con họ khi mà có những tiến sĩ, giáo sư vẫn… đạo văn, thi hộ và nhiều cán bộ, quan chức không đủ năng lực vẫn không bị đào thải.
Những ngày qua, thông tin một số sinh viên bị thôi học do liên quan đến việc sửa điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 tại một số tỉnh làm rúng động dư luận. Trong số các thí sinh được sửa điểm, chúng ta không biết có bao nhiêu em biết sự việc này và bao nhiêu gia đình “lẳng lặng” lo cho con theo cách của mình.
Ngay từ bé, hầu hết các bạn trẻ đều được dạy về tính trung thực bởi đây là đức tính cần thiết để trở thành một người tử tế. Chắc hẳn, trong số những thí sinh được (hoặc bị) sửa điểm không phải ai cũng hài lòng với sự sắp đặt của cha mẹ trong việc lựa chọn trường và lựa chọn nghề. Nhưng trước áp lực của kỳ thi, kỳ vọng của gia đình và các dự định cho tương lai thì nỗi lo lắng, bất an về sự vi phạm chuẩn mực luật pháp và đạo đức đã giảm đến mức gần như không còn khi mà thực tế cho thấy việc này là hoàn toàn có thể “dàn xếp" được. Vì thành công hay thất bại không chỉ là của con mà là của cả gia đình, thậm chí của dòng họ nên nhiều cha mẹ đã vội “mua” điểm cho con vào đại học, rồi ra trường lại dùng tiền, dùng quyền “mua” cả việc làm cho con.
Có lẽ trong câu chuyện "mua" điểm vừa qua, điều cần làm lúc này là các bậc cha mẹ cần thừa nhận sai lầm, chịu trách nhiệm với con và đồng hành giúp con thoát khỏi cơn khủng hoảng tâm lý. Đây cũng là bài học đối với phụ huynh trong việc định hướng học tập để con phát triển phù hợp với năng lực của mình.
Trương Thị Hiền
Ý kiến bạn đọc