Multimedia Đọc Báo in

Khơi dậy niềm đam mê học Văn cho học sinh

14:13, 12/04/2019

Ngữ văn không chỉ là môn học chính mà còn là một trong những bài thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều học sinh không say mê, hứng thú với môn học này; tình trạng học sinh thụ động, thờ ơ, thậm chí là “chán” học Văn ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập cũng như kết quả thi THPT quốc gia của học sinh.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, có đến hơn 30% học sinh dưới điểm trung bình, 82 thí sinh bị điểm 0 và 730 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống) ở bài thi Ngữ văn. Ở đây, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người học mà cần phải xác định nguyên nhân từ cả phía người giảng dạy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy còn hạn chế, tình trạng “đọc - chép” hay “chiếu - chép” hoặc “độc thoại”, “độc diễn” trên bục giảng của giáo viên… vẫn còn phổ biến, khiến học sinh nhàm chán. Vậy giáo viên cần làm gì để có thể truyền được sự đam mê và niềm yêu thích môn học này đến các em học sinh?

Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, giáo viên cần thường xuyên đổi mới hay sáng tạo trong phương pháp dạy học. Có thể vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học như: thuyết trình, thảo luận nhóm, tạo tình huống có vấn đề, chiếu phim, tư liệu văn học... Căn cứ vào từng tiết học, từng bài học cụ thể, giáo viên có thể vận dụng các phương pháp dạy học khác nhau. Người dạy cũng cần xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với nội dung bài học và với từng đối tượng học sinh, câu hỏi không nên quá dễ hoặc quá khó và phải mang tính gợi mở.

1
Cô và trò Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột).  Ảnh: EX

Tình huống hay thử thách chính là những nhiệm vụ học tập mà người dạy cần thực hiện trong giờ học nhằm phát huy khả năng tư duy, giải quyết vấn đề của người học. Nhiều tiết học, học sinh thường thụ động hay rơi vào trạng thái “trầm” là do giáo viên chưa biết phát huy năng lực và hoạt động tích cực của học sinh. Việc tạo ra những tình huống có vấn đề hoặc thử thách không chỉ giúp học sinh chú ý đến bài học mà còn phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của bản thân trong giải quyết vấn đề. Muốn vậy, giáo viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi bám sát kiến thức bài học. Câu hỏi phải làm sao xoáy vào tình huống, vấn đề trung tâm của tác phẩm để học sinh khám phá và cảm nhận. Ngoài ra, việc cho học sinh thảo luận nhóm theo câu hỏi hoặc chủ đề của bài học cũng sẽ rất hiệu quả. Khi đó, sẽ phát huy tinh thần tập thể, tăng cường khả năng tư duy, huy động mọi học sinh có thể tham gia vào quá trình học, đồng thời tạo cơ hội cho mỗi học sinh có thể chia sẻ ý tưởng, tăng thêm cơ hội học tập lẫn nhau nhằm đem lại kết quả cao nhất.

Khâu quan trọng trong dạy học Ngữ văn chính là việc truyền cảm hứng, niềm say mê văn chương cho người học, trong đó có việc tạo tâm thế tiếp nhận môn học và bài học cho học sinh. Giáo viên có thể cần phải trở thành những “nghệ sĩ” trên bục giảng. Giờ học có thể mở đầu bài học bằng việc hát một câu hát, câu hò; kể một câu chuyện ngắn; chia sẻ những cảm xúc chân thành của bản thân về cuộc sống… liên quan đến chủ đề bài học sắp giảng dạy. Chẳng hạn, khi dạy bài “Tây Tiến” của Quang Dũng, giáo viên cho học sinh nghe một bản nhạc có lời bài hát được phổ nhạc từ bài thơ hoặc giáo viên có thể kể câu chuyện, đọc bài thơ về chủ đề người lính. Hay khi học bài “Vợ nhặt” của Kim Lân, giáo viên có thể chiếu đoạn phim tư liệu về cảnh nạn đói 1945 để học sinh có tâm thế đi vào bài học. Việc tạo tâm thế cho người học cũng rất cần thiết khi tổng kết nội dung bài học, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh chơi các trò chơi ô chữ hoặc tham gia trò chơi đóng vai để giúp học sinh hứng thú hơn. Chẳng hạn khi giảng dạy tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, giáo viên có thể chọn cảnh Tnú bị tra tấn và sự vùng dậy của dân làng Xô Man chống lại bọn tay sai giặc Mỹ để học sinh đóng vai nhằm giúp các em có tâm thế và khắc sâu kiến thức bài học hơn,...

Ngoài ra, để tạo hứng thú, đam mê văn chương cho học sinh, nhà trường và giáo viên giảng dạy cần tổ chức các câu lạc bộ, các chuyên đề thảo luận, ngoại khóa nhằm tăng cường khả năng tranh luận, khả năng giao tiếp, ứng xử của các em học sinh; mua sắm thêm các thiết bị phục vụ dạy học như: tranh ảnh, máy chiếu… tránh tình trạng chỉ học lý thuyết suông làm cho việc học không gắn với thực tiễn, dễ gây nhàm chán cho người học.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.