Multimedia Đọc Báo in

Mô hình học tập bán trú "Tiếp sức" cho học sinh đến trường

09:32, 20/04/2019
Nhờ mô hình học tập bán trú, các em học sinh ở thị xã Buôn Hồ được thầy cô chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ; vừa học chữ, vừa học kỹ năng sống để tự chăm sóc bản thân. Đó không chỉ là điểm tựa giúp các em học sinh đến trường mà còn tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc.
 
Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (phường Đạt Hiếu) là đơn vị thực hiện mô hình bán trú ở cấp tiểu học đầu tiên trên địa bàn thị xã Buôn Hồ, với hai lớp và 70 em học sinh. Có mặt vào đúng giờ ăn trưa của Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm mới thấy hết không khí vui vẻ, phấn khởi của học sinh nơi đây.
 
Sau những giờ học trên lớp, đúng 10 giờ 30 phút, các em bắt đầu rửa tay, vệ sinh cá nhân và bắt đầu ngồi vào bàn ăn. Bữa cơm với đầy đủ rau, trứng, cá, canh... được các cô cho đầy đủ vào khay ăn và đặt lên bàn. Sau bữa ăn, các em đều tự giác dọn dẹp chỗ ngồi, khay ăn gọn gàng và trở về chỗ nghỉ trưa.
 
Dù mới được triển khai hơn 1 năm nay, nhưng mô hình bán trú bước đầu đã đáp ứng được nguyện vọng của đa số phụ huynh và học sinh trên địa bàn. Bà Võ Thị Ánh Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ khi chuyển sang mô hình bán trú, trường có nhiều chuyển biến tích cực, học sinh đi học đều hơn và không có hiện tượng bỏ học.
 
Đặc biệt, nhà trường rất quan tâm đến khẩu phần ăn của các em, chăm sóc sức khỏe học sinh từ những bữa cơm bán trú, lấy an toàn vệ sinh thực phẩm làm tiêu chí hàng đầu để phấn đấu cùng với các chương trình giáo dục, tiến tới sự phát triển toàn diện cho học sinh. 
 
Để quản lý, chăm sóc học sinh bán trú, Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm đã phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ luân phiên theo ca. Hằng ngày, một nhóm gồm 3 giáo viên được giao phụ trách kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các em thực hiện nội quy bán trú cũng như sinh hoạt ngoài giờ lên lớp.
 
Giờ học ngoại khóa của học sinh bán trú Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm.
Giờ học ngoại khóa của học sinh bán trú Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm.
Bên cạnh công tác giáo dục kiến thức, học sinh bán trú được nhà trường dạy những kỹ năng sống cơ bản như vệ sinh cá nhân, bơi lội… Việc thường xuyên được ở lại trường, tiếp xúc nhiều với thầy cô giáo đã giúp nhiều em được cải thiện tình trạng nói ngọng tiếng Việt. Đặc biệt, trước đây trường có 4 em bị mắc bệnh tự kỷ, ở nhà không nói chuyện và vui chơi với ai, nhưng khi được ở lớp nhiều hơn, được vui chơi với bạn thì các em đã mạnh dạn và nhanh nhẹn hơn rất nhiều. 
 
Kết quả đạt được đáng ghi nhận, song vẫn còn những khó khăn trước mắt mà các trường bán trú trên địa bàn thị xã vẫn phải đối mặt. Do nhu cầu học bán trú mới xuất hiện những năm gần đây, trong khi các trường được xây dựng từ trước đó nên việc quy hoạch xây dựng bếp ăn, phòng ngủ chưa có.
 
Như Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, do kinh phí hạn hẹp nên phải bố trí nhà ăn, phòng ngủ và bếp tập trung một chỗ, rất bất tiện khi các em nghỉ ngơi trong điều kiện chật chội. Theo cô Nguyễn Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, nhu cầu gửi con học bán trú của phụ huynh rất lớn, nhưng do điều kiện của nhà trường chưa đủ để đáp ứng nên chỉ có thể nhận được hai lớp, trong đó ưu tiên cho khối lớp 1 còn nhỏ.
 
“Điều đó vô tình làm cho các phụ huynh khác phải gửi con ăn ở ngoài gần trường, các em ăn xong không có chỗ nghỉ ngơi mà phải vào sân trường chơi nhiều giờ để đợi cho tới tiết học chiều. Từ đó gây ra những khó khăn về mặt quản lý cho giáo viên cũng như sức khỏe, chất lượng học tập của học sinh”, cô Hạnh lo lắng.
 
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Buôn Hồ, từ mô hình bán trú có hiệu quả của Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, trong năm học 2018 – 2019, Phòng đã nhân rộng thêm 4 mô hình học bán trú cho cấp tiểu học trên địa bàn, với 7 lớp và 500 em, bước đầu đã đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng cấp thiết của phụ huynh và học sinh. Thời gian tới nếu được đầu tư xây dựng, mô hình này sẽ góp phần rất lớn vào công tác giáo dục, chăm sóc trẻ phát triển toàn diện và đặc biệt là khích lệ tinh thần tới trường của học sinh.
 
Băng Châu
 

Ý kiến bạn đọc